Tìm giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Mai Đan | 15/09/2021, 14:16

(TN&MT) - Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, nhưng người dân địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí cán bộ cấp xã chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của địa phương và người dân trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp diễn

Thực tế cho thấy, còn nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền quản lý, sử dụng đất, rừng hợp pháp của mình để khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình là hoạt động khai thác than trong vườn nhà của người dân ở các khu vực mỏ than tỉnh Quảng Ninh; khai thác quặng sắt, quặng cao lanh, đá cảnh khai thác nước khoáng trong diện tích đất được giao sử dụng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình; khai thác vàng tỉnh Quảng Nam, Lai Châu, Điện Biên, Kon Tum và khai thác vật liệu xây dựng thông thường (san lấp) diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phú... Lợi dụng quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, một số cá nhân, tổ chức đã tiến hành khai thác khoáng sản mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Cần bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, nhưng chưa được thường xuyên, chưa sâu rộng, nhất là đối với người dân nơi có khoáng sản. Khi phát hiện tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, thông thường Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để giải tỏa và duy trì lực lượng một thời gian để ổn định tình hình. Phương thức này được áp dụng từ lâu tại nhiều địa phương nhưng tỏ ra kém hiệu quả do mang nặng tính hành chính, không kịp thời nên khi lực lượng giải tỏa đến thì phần lớn lực lượng khai thác trái phép đã rút khỏi hiện trường, tẩu tán phương tiện, thiết bị.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý phương tiện, thiết bị dùng để khai thác trái phép không thuộc sở hữu của người vi phạm gặp khó khăn, nhất là khi muốn phá hủy, tịch thu. Ngoài ra, khi lực lượng giải tỏa rút thì hoạt động khai thác trái phép lại tái diễn ở mức độ, quy mô thậm chí lớn hơn. Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010, Mục 1 khoản c “Tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác” là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Điều 20  quy định “Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”...

Như vậy hàng năm địa phương căn cứ vào nguồn vốn ngân sách cấp lập dự toán chi để thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó có kinh phí xử lý, giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép. Điều này được qui định chi tiết trong Điều 17 và Điều 18 Nghị định 158/2016/NĐ- CP của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện về bố trí kinh phí, hay giám sát thực hiện của các Bộ, ngành liên quan theo qui định của pháp luật.

Có một bộ phận người dân ở một số địa phương đời sống hết sức khó khăn, không có nghề ổn định cho cuộc sống nên đã coi hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sỏi sông suối, sét gạch ngói, đá ong, đá chẻ) hay khai thác vàng, thiếc, đá cảnh như là một nghề để mưu sinh. Thực tế hoạt động này đã diễn ra từ rất lâu tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân không thể có điều kiện để thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để đề nghị cấp phép khai thác theo quy định.

Phần lớn khoáng sản bị khai thác trái phép có giá trị cao như khoáng sản quí hiếm, có giá trị kinh tế cao thường phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, dân trí thấp. Trong khi đó lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại các địa phương rất mỏng, trung bình chỉ có từ 3-5 người ở cấp tỉnh, và 1 người (kiêm nhiệm) ở cấp huyện nên không thể kiểm soát, phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để xử lý.

Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm như đã nêu.

Tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả cũng là nguyên nhân kích thích hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…

Bảo vệ quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác

Mặc dù trong Điều 16 của Nghị định 158 đã quy định Quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản được khai thác, nhưng việc triển khai đến người dân nơi có khoáng sản khai thác hầu như vẫn chưa thực sự như qui định và nhất là với những quyền lợi của người dân so với những gì họ đã mất. 

Khoáng sản chưa khai thác – tài nguyên cần bảo vệ

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, để hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác, cần có một số giải pháp thích hợp. Ông cho rằng, bảo đảm, thực thi quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác là trách nhiệm của nhiều chủ thể, song nhà nước đóng vai trò quan trọng và đặc biệt; cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương tới chính quyền địa phương. Đồng thời, bảo đảm, thực thi quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác là một quá trình liên tục, kéo dài trong suốt chuỗi giá trị hoạt động khai khoáng; hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về khoáng sản một cách đồng bộ, thống nhất là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác được thực thi.

Ngoài ra, nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia vào hoạt động khai thác là cách thức quan trọng để quá trình thực thi, đảm bảo quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản khai thác đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới về áp dụng các sáng kiến, công cụ mới trong quản trị hoạt động khoáng sản một cách chọn lọc, phù hợp với thể chế, thực tiễn của đất nước cũng là một giải pháp phù hợp.

Bài liên quan
  • Điện Biên tìm giải pháp quản lý cát, sỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Những năm gần đây, nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa sử dụng cát sỏi làm nhà sàn bê tông, làm công trình phụ ở huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó là một số chương trình kiên cố hóa giao thông thôn, bản dẫn đến việc người dân tự ý khai thác cát, sỏi lòng sông, suối. Từ những thực trạng đó, huyện Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên trong vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO