Tiếp tục xem xét cẩn trọng việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm 1,5 triệu m3 bùn thải ra biển

24/11/2016 00:00

(TN&MT) - Hồ sơ xin nhận chìm 1,5 triệu m3 bùn thải nạo vét luồng lạch phục vụ quy hoạch cảng Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại khu vực biển Tuy Phong là hồ sơ xin nhận chìm chất thải đầu tiên kể từ khi Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo có hiệu lực. Đây là một vùng biển nhạy cảm vì chỉ cách vùng đệm khu bảo tồn Hòn Cau 500m nên vấn đề này đang tiếp tục được Bộ TN&MT xem xét một cách cẩn trọng sau khi có ý kiến của các Bộ ngành liên quan cũng như đi khảo sát thực địa.

Cẩn trọng!

Trước khi thảo luận cấp phép, Bộ TN&MT đã gửi văn bản lấy ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận về ảnh hưởng của vị trí và hoạt động nhận chìm đối với phát triển kinh tế xã hội và các vấn đề liên quan ở địa phương. Thực hiện đề nghị của UBND tỉnh, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ngành liên quan, ngày 31/10, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4304 gửi đến Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trên cơ sở văn bản đề nghị của Vĩnh Tân 1, Tổng cục đang thẩm định, trình lấy ý kiến địa phương. Trong công văn phúc đáp, Sở TN&MT Bình Thuận khẳng định vị trí khu vực biển được lựa chọn để sử dụng cho hoạt động nhận chìm phù hợp với nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt ngày 24/7/2014 cho dự án xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo quan điểm của cơ quan này, khối lượng vật liệu nạo vét đổ thải lớn; nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền cần phải có diện tích tương đối lớn; trong khi đó, địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện và việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: MH
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: MH

Trong phần kiến nghị, Sở TN&MT Bình Thuận cho rằng, khi đổ thải xuống biển, những tác động của dự án đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra và sẽ bị tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố. Do đó đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của cảng Tổng hợp Vĩnh Tân nằm gần đó. Chủ đầu tư cũng cần bổ sung các giải pháp xử lý khi có sự cố, rủi ro xảy ra trong quá trình nạo vét, đổ thải.

Tiếp tục cân nhắc vị trí đổ thải

Ngày 12/11 vừa qua, Bộ TN&MT đã tiến hành họp bàn việc xét duyệt hồ sơ cấp phép cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ bùn thải nạo vét làm cảng tại khu vực biển Tuy Phong dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc. Tại cuộc họp, theo ông  Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Viêt Nam, để được cấp phép, theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực từ 1/7/2016, khu vực được phép nhận chìm, xả thải phải nằm trong khu vực quy hoạch biển, quy hoạch sử dụng vùng bờ, trong thời gian chưa có quy hoạch, cho phép xác định theo ĐTM. Và hiện nay chưa có quy hoạch nên sẽ xem xét ở khía cạnh đánh giá tác động môi trường. Nếu trong ĐTM thể hiện sự đồng ý cho đổ thải mà không gây sự cố ô nhiễm hoặc có ảnh hưởng nhưng có phương án khắc phục thì vẫn được đổ thải.

Xét theo ĐTM mà Bộ TN&MT cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, hồ sơ đã phản ánh rất rõ việc nạo vét không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực biển. Song ông Sơn cũng nhấn mạnh rằng, ĐTM cũng chỉ là chạy mô hình dự báo, tất có sai số. Trong khi đó, ĐTM của Nhiệt điện Vĩnh tân 1 là xác định cho toàn bộ việc nạo vét, xây dựng cảng chứ không có riêng cho việc nhận chìm, xả bùn tại khu vực xin đổ. Mặt khác, trên thực tế, khu vực xin nhận chìm bùn thải chỉ cách vùng đệm Khu Bảo tồn Hòn Cau 500m, đây là một nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường biển.

Đồng tình quan điểm này, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho biết, xét về hồ sơ ĐTM thì việc nạo vét, nhận chìm xả thải tại khu vực này không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực biển. Trong đánh giá tác động môi trường khi cấp phép cho dự án hoạt động đã có những điều tra, đánh giá và chạy mô hình dự báo khá chi tiết, rõ ràng. Song đúng là ĐTM của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 mới chỉ đề cập đến việc hoạt động của dự án nạo vét luồng lạch, làm cảng nói chung, còn việc nhận chìm, xả thải trên biển tại khu vực xin cấp phép chưa có. Chính vì vậy, để có thể đưa ra quyết định có cấp phép hay không cần sự khảo sát, điều tra thực tế và đánh giá của các đơn vị liên quan, đặc biệt của của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Hiện Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã gửi công văn xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan như: Quốc phòng, GTVT, NN&PTNT, Tổng cục Địa chất khoáng sản, Tổng cục Môi trường, Khu bảo tồn biển Hòn Cau, UBND tỉnh Bình Thuận… Các đơn vị liên quan thuộc bộ đã có công văn phúc đáp, tuy vậy, còn một số cơ quan ngoài bộ chưa có văn bản trả lời. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, cần tập hợp hết các ý kiến của các đơn vị liên quan, sau đó tổ chức khảo sát thực tế, nếu thấy có nghi vấn về việc gây ô nhiễm, có thể sẽ xem xét đề xuất một vị trí nhận chìm, xả thải thích hợp hơn.

Kim Liên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục xem xét cẩn trọng việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm 1,5 triệu m3 bùn thải ra biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO