Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá

Thanh Tùng| 25/03/2022 11:12

(TN&MT) - Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét.

3.png
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh chụp màn hình

Tại cuộc họp, với chức năng được giao là cơ quan thường trực thực hiện các nhiệm vụ này, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đã báo cáo Thứ trưởng Lê công Thành và các thành viên Ban Chỉ đạo một số nội dung như: Việc tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành tại Thông báo số 159/TB-BTNMT; tiến độ thực hiện Chương trình 705 và xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” đến cuối tháng 3/2022.

Đối với việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành tại Thông báo số 159/TB-BTNMT, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, Tổng cục đã triển khai các công việc như: Hướng dẫn các Tổ công tác xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ chi tiết của từng Tổ, phê duyệt và ban hành; Tổ chức cuộc họp chuyên đề về xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung và khai thác hiệu quả sản phẩm bản đồ, thông tin dữ liệu địa lý, viễn thám để phục vụ cho toàn bộ nhiệm vụ, báo cáo Ban Chỉ đạo. Nội dung cụ thể các công việc triển khai đã được Tổng cục KTTV gửi Thứ trưởng Lê Công Thành tại Báo cáo số 256/BCTCKTTV ngày 8/3/2022 về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng.

Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái cũng báo cáo Ban Chỉ đạo về tiến độ thực hiện Chương trình 705 với 4 Dự án thành phần. Cụ thể , đối với Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ, ngập lụt”, năm 2022 cần thực hiện các nội dung sau: thu thập số liệu cơ bản về lũ, ngập lụt, số liệu địa hình (các nhiệm vụ còn lại chưa thực hiện của năm 2021); xác định nguyên nhân hình thành, diễn biến lũ và ngập lụt (các nhiệm vụ còn lại chưa thực hiện của năm 2021); lập bản đồ cảnh báo thiên tai và bản đồ phân vùng rủi ro do lũ, ngập lụt cho các tỉnh, thành phố: xây dựng phần mềm phân tích, cảnh báo rủi ro thiên tai lũ và ngập (các nhiệm vụ còn lại chưa thực hiện của năm 2021).

Đối với Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa do mưa tại khu vực trung du và miền núi”, ông Trần Hồng Thái cho biết, năm 2021 đã thực hiện các nội dung sau: Tổng hợp, phân tích, chuẩn hóa các lớp bản đồ nền thành phần và bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất của 22 tỉnh (Số lượng: 340 mảnh bản đồ, tỷ lệ: 1: 50.000, Lớp bản đồ chuẩn hóa gồm: Lớp bản đồ dân cư, Lớp bản đồ giao thông, Lớp bản đồ thủy hệ). Tổng hợp, phân tích, chuẩn hóa các lớp bản đồ nền thành phần và bản đồ hiện trạng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất của 6 xã trọng điểm (Số lượng: 32 mảnh bản đồ, tỷ lệ 1:10.000, Lớp hiện trạng lũ quét).

Năm 2022, tiếp tục thực hiện các nội dung sau: Ghép được các lớp bản đồ thảm phủ, Địa hình, hành chính, sử dụng đất từ 340 mảnh vào 22 tỉnh. Chuẩn hóa thêm trường dữ liệu vào 4 lớp mới (thảm phủ, địa hình, ranh giới hành chính, hiện trạng lũ quét). Xây dựng ngưỡng lũ quét, sạt lở đất, phân tích dữ liệu mưa. Xây dựng phần mềm cảnh báo lũ quét.

Đối với Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão”, hiện, Tổng cục KTTV đã hoàn thiện thuyết minh và dự toán nhiệm vụ, đến ngày 18/3/2022, Tổng cục KTTV đã nhận được đầy đủ ý kiến góp ý của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT cho dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão”. Hiện nay, Tổng cục KTTV đã chỉnh sửa hoàn thiện thuyết minh và đang phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính để thẩm định dự toán kinh phí. Dự kiến trình Bộ TN&MT phê duyệt trước ngày 30/3/2022.

Đối với Dự án “Tổng hợp, đánh giá và phân vùng rủi ro đa thiên tai và xây dựng cơ sở dữ liệu về rủi ro thiên tai”, về việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, theo kế hoạch, tháng 5/2022 sẽ hoàn thành Khung kiến trúc tổng thể về cơ sở dữ liệu (CSDL) và hệ thống nền tảng dùng chung. Đến nay, Tổng cục KTTV đã thực hiện được các nội dung sau: thống nhất sẽ sử dụng nền tảng công nghệ thông tin như: hạ tầng máy chủ, mạng, bảo mật... đặt tại Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; thống nhất sẽ sử dụng hệ thống bản đồ nền GIS của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; đang nghiên cứu và thiết kế Khung kiến trúc tổng thể và hệ thống nền tảng dùng chung của các dự án.

Đối với Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn” và Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối”, Tổng cục KTTV đang triển khai xây dựng và hoàn thiện thuyết minh 2 nhiệm vụ này, dự kiến trình Bộ TN&MT phê duyệt trong tháng 11/2022.

21.jpg
Sạt lở đất, đá là thiên tai gây nhiều thiệt hại cho nước ta. Ảnh minh họa: TTXVN

Về việc xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV đã phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu và các đơn vị liên quan trong Bộ thực hiện xây dựng dự thảo thuyết minh Đề án, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” và đã gửi xin ý kiến các thành viên Tổ công tác số 1, chỉnh sửa hoàn thiện.

Ngày 18/3/2022, Tổng cục KTTV đã có Báo cáo số 313/BCTCKTTV về việc xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” gửi Thứ trưởng Lê Công Thành xin ý kiến chỉ đạo. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là chủ động phòng ngừa trượt lở đất đá, lũ quét tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai khu vực miền núi, trung du, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Các nội dung thực hiện của Đề án gồm: Rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật; Điều tra, lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá, lũ quét tỉ lệ lớn; Lập bản đồ phân vùng rủi ro trượt lở đất đá, lũ quét tỉ lệ lớn; Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét; Xây dựng công trình phòng chống, công trình cảnh báo sớm tại các khu vực trọng điểm; Nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực cộng đồng về công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do trượt lở đất đá, lũ quét.

Về các công việc cần thực hiện tiếp theo đối với Đề án, ông Trần Hồng Thái cho biết, Tổng cục KTTV thực hiện xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành liên quan trước khi trình Bộ thẩm định. Tiếp đó, tổ chức thẩm định cấp Bộ; trình Bộ trưởng ký trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia thảo luận vào các nội dung cụ thể về tiến độ thực hiện các Dự án thuộc Chương trình 705 và việc xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” được Tổng cục KTTV trình bày.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục KTTV với vai trò là cơ quan thường trực triển khai các nhiệm vụ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp hôm nay; thống nhất lại tỷ lệ bản đồ cảnh báo; rút ngắn thời gian thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nhiệm vụ thuộc Đề án án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Tổng cục KTTV hoàn thiện lại Đề án theo ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, gửi xin ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, sau đó gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO