Tiếp tục đầu tư, đưa nông nghiệp thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế

02/06/2014 00:00

(TN&MT) - Cần tiếp tục tập trung các giải pháp đầu tư cho nông nghiệp đưa nông nghiệp trở thành một trong trụ cột của nền kinh tế.

   
(TN&MT) - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 2/6, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần tiếp tục tập trung các giải pháp đầu tư cho nông nghiệp đưa nông nghiệp trở thành một trong trụ cột của nền kinh tế. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cần đầu tư cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.
   
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp
   
  Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) khẳng định, nền kinh tế Việt Nam từ quý II/2013 đã bắt đầu phục hồi, dù yếu ớt, nhưng chúng ta hy vọng hết 2014 vượt qua được thời kỳ trì trệ này để bắt đầu khởi sắc, phát triển.
   
  Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề lớn tồn tại hiện nay là tổng cầu quá yếu, tăng tổng cầu không nổi. Đại biểu đánh giá, hiện nay khoảng 30% doanh nghiệp làm ăn tốt, đóng thuế như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng có khoảng 1/3 khó khăn, không tiếp cận nguồn vốn do bản thân họ khó khăn. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị nhân rộng mô hình kết nối giữa Ngân  hàng Nhà nước với chính quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
   
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu
   
  Về phát triển nông nghiệp, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Việc dãn, hoãn khoanh nợ chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp làm ăn có lãi. Còn đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không có tác dụng mấy. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể dừng hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tình trạng các doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn. Chẳng hạn như, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin tiếp cận thị trường, miễn giảm hoãn, khoanh nợ thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách cho phù hợp đúng sát với thực tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và tạo môi trường để các doanh nghiệp mới hình thành và phát triển.
   
  Đại biểu Trần Ngọc Vinh lo lắng trước thực trạng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp ngày càng giảm. Đặc biệt, tình trạng người nông dân bỏ ruộng, bỏ vườn ra thành phố kiếm sống ngày càng nhiều. “Đề nghị Chính phủ có những giải pháp đủ mạnh và ưu tiên nguồn lực hơn nữa để phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm hướng tới mục tiêu nông nghiệp phát triển bền vững để kinh tế nông nghiệp thực sự là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước ta.” – đại biểu nói.
   
  Trước thực tế trên, hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng. Theo đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), cần có các giải pháp đột phá để phát triển và củng cố năng lực của các tổ chức, có chức năng cải thiện về năng suất là chất lượng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Phát triển các hoạt động nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm chủ lực của quốc gia và có tiềm năng về năng suất, chất lượng, giá trị cao như cà phê, tiêu, cao su, tôm, cá cùng với sự chuyển dịch trong sản xuất lúa gạo có chất lượng, giá trị cao để tạo thương hiệu sản phẩm tốt và ổn định hơn. Có chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, kể cả vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
   
  Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lại đưa ra kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Chính phủ cần có giải pháp tình thế đối phó với những thiệt hại và khó khăn do hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc gây ra.
   
Chủ động, giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc
   
  Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội lo ngại, những biến động về kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới hiện nay đã tác động mạnh đến kinh tế trong nước và cho thấy một thực tế, kinh tế Việt Nam lệ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài. Hơn bao giờ hết, yêu cầu về tự chủ kinh tế đang đặt ra cấp thiết với các cơ quan quản lý Nhà nước và từng doanh nghiệp của Việt Nam.
   
  Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, có thể là một cách thức hiệu quả hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
   
  “Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc Úc, New Zealand, Nga, Ukraine... và các nền kinh tế khác máy móc, thiết bị, công nghệ, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung giá rẻ hiện tại từ Trung Quốc” – đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.
   
  Về “đầu ra” của nền kinh tế, theo số liệu chính thức được ông Vũ Tiến Lộc dẫn ra trước quốc hội, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu Việt Nam, tuy không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó, thị trường này có nhiều ảnh hưởng tới thu nhập của một bộ phận đáng kể và nông dân và những người sản xuất nông nghiệp của nước ta.
   
  Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề xuất nên mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc, có chính sách thu hút nguồn lực để khai thác tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, các địa phương nên kêu gọi nhân dân không có việc làm, công nhân không có việc làm đi học nghề đánh bắt hải sản, để cùng đi ra biển, giống như trước đây kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi vậy.
   
  Ông kêu gọi, các doanh nghiệp hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng việc đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, đóng tàu cổ phần chia lợi nhuận. Chính quyền các địa phương sẽ ưu đãi về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp, nhưng nghiêm trị hành vi trục lợi của các tổ chức cá nhân.
   
  Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Thống kê  năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhiều năm qua, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó đã ký kết những hiệp định với Trung Quốc mà trong đó Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, tiến tới ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.
   
  “Chúng ta đã chủ động, chứ không phải chờ đến bây giờ, tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
  Song song với đó, hiện Việt Nam cũng đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế, các đối tác lớn như liên minh châu Âu, các nước Châu Á- Thái Bình Dương đều đang mong muốn xúc tiến liên kết thương mại với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập các thị trường lớn.
   
Minh Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đầu tư, đưa nông nghiệp thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO