Tiếp tục cung cấp thông tin dự báo kịp thời, giúp các địa phương ứng phó thiên tai

25/03/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 25/3/2016 tại TP. Cần Thơ, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ tổ chức Hội thảo "Nhận định tình hình khí tượng thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm...

 

(TN&MT) - Ngày 25/3/2016 tại TP. Cần Thơ, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ tổ chức Hội thảo “Nhận định tình hình khí tượng thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2016 khu vực Nam bộ”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ phát biểu tại hội thảo.
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ phát biểu tại hội thảo.

Báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, trong những năm gần đây tình hình thời tiết thủy văn diễn biến hết sức phức tạp và có nhiều dị thường mà rõ nhất là số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông ít, năm 2014 có 7 cơn, năm 2015 có 5 cơn. Thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn xảy ra liên tục và với tầng suất ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là năm 2015 nắng nóng, rét đậm, rét hại kỷ lục, tuyết rơi tại nhiều nơi mà từ trước tới nay chưa từng xảy ra ở miền Bắc; hạn hán nghiêm trọng ở các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ…

Đối với khu vực Nam bộ, thời tiết cũng có những biến động mạnh mẽ, lũ trên sông Cửu Long năm 2015 thấp nhất trong lịch sử kể từ năm 1926 đến nay ( 90 năm). Mùa khô năm 2015-2016, nước mặn đã xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với cùng thời kỳ. Số liệu thực đo cho thấy ranh mặn 4g/l tại khu vực cửa các sông Nam bộ đã vào sâu trên 60km, có nơi trên 75km ( tại Trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây), ranh mặn 1g/l đã xâm nhập sâu hơn 125km. Độ mặn từ đầu năm 2016 đến nay tại hầu hết các Trạm luôn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2015 và trung bình nhiều năm. Đặc biệt, có những nơi năm sâu trong đất liền trước đây gần như không bị ảnh hưởng bởi mặn như Vĩnh Long thì trong khoảng đầu tháng 2/2016 cũng đã có những số liệu báo cáo về mặn, có những nơi trong tỉnh độ mặn lên tới 9g/l; triều cường luôn ở mức cao trên hạ lưu sông Sái Gòn-Đồng Nai; các đợt nắng nóng, các đợt mưa lớn trên diện rộng; các đợt dông mạnh kèm theo tố lốc, sét… xảy ra ở nhiều tỉnh đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong khu vực.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, thời gian bắt đầu mùa mưa năm 2016 sẽ muộn hơn so với trung bình nhiều năm, hầu hết các nơi ở Nam bộ mùa mưa sẽ bắt đầu vào khoảng tuần cuối tháng 5 và có thể vào khoảng tháng 5 đối với những nơi mưa sớm như phía bắc Miền Đông; tổng lượng mưa hầu hết xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Miền Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm…Mùa bão trong năm 2016, dự báo sẽ bắt đầu vào tháng 6, tháng 7 và kết thúc vào tháng 11, tháng 12, có khoảng 10 đến 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và có khoảng 6 đến 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó khả năng có khoảng 1 đến 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung bộ và Nam bộ vào những tháng cuối mùa bão; về nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0.25 đến 0.5 độ; trong năm 2016 ở khu vực Nam bộ không có khả năng xuất hiện lũ đầu mùa, thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào giữa tháng 10/2016; tình hình xâm nhập mặn có khả năng sẽ giảm vào đầu tháng 5/2016…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho rằng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã đang và sẽ tác động ngày càng mạnh đến thời tiết thủy văn khu vực Nam bộ theo chiều hướng cực đoan, vùng ĐBSCL đang gồng mình chống chọi với hạn, mặn. “Trước diễm biến ngày càng phức tạp của thời tiết, thủy văn và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, việc nâng cao chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn trong đó có bản tin nhận định mùa là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Ngành khí tượng thủy văn nói chung, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ nói riêng. Chính vì vậy, việc đưa ra bản tin nhận định mùa phù hợp với thực tế, trong đó quan tâm hàng đầu là nhận định đúng thời kỳ chuyển mùa cũng như thời kỳ bắt đầu mùa mưa, xu thế mưa, thời gian xuất hiện cũng như độ cao của đỉnh lũ, triều cường… sẽ giúp các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực có cái nhìn tổng quan ban đầu về về diễn biến của mùa mưa, bảo, lũ năm 2016, từ đó đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ứng phó phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao...”- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Lê Ngọc Quyền nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng, trong thời gian qua các bản tin về tình hình khí tượng thủy văn đã giúp các địa phương đưa ra biện pháp phòng chống thiên tai hiệu quả, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã đang diễn ra, tuy nhiên trong các bản tin về thời tiết, độ mặn…cần có thêm phần khuyến cáo để giảm thiệt hại cho người dân; bên cạnh đó cần chi tiết về độ mặn và cụ thể hơn vị trí mà nước mặn đã xâm nhập; dự báo chính xác hơn nguồn nước từ thượng nguồn đổ về thay đổi việc dự báo thường so sánh với trung bình nhiều năm thành 1 năm nào đó cụ thể hoặc năm trước để giúp các địa phương khuyến cáo người dân…

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu về công tác dự báo, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, đồng thời mong muốn trong thời gian tới các Sở, ngành ở địa phương tiếp tục hỗ trợ Ngành Khí tượng Thủy văn Nam bộ để thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, dự báo tình hình khí tượng thủy văn…

Bài & ảnh: Lê Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục cung cấp thông tin dự báo kịp thời, giúp các địa phương ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO