Tiếp sức tôn giáo miền Nam phòng, chống dịch

Trí Việt | 03/09/2021, 19:23

(TN&MT) - Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là ở những vùng trong điều kiện đặc biệt, Bộ Nội vụ đã cử cán bộ, nhân viên vào công tác tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, những nơi đang chịu ảnh hưởng diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhằm nâng cao công tác chỉ đạo, quản lý; đồng hành với khó khăn của các tổ chức và tín đồ tôn giáo; động viên tinh thần tôn giáo tham gia phòng chống dịch…

Theo kế hoạch, công tác tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại các tỉnh phía Nam được chia thành 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 27/8 đến 15/9, với các thành viên của Tổ công tác gồm Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng - Tổ trưởng Tổ công tác; ông Đào Huy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo; ông Nguyễn Hồng Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và Các tôn giáo khác; ông Nguyễn Ngọc Huấn, Chuyên viên chính Vụ Cao Đài; ông Trần Trọng Tú, Chuyên viên Vụ Tin Lành và ông Lê Đức Dũng, Chuyên viên Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ gặp mặt động viên Tổ công tác trước khi tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam

Trong các ngày từ 30/8, Tổ công tác của Bộ Nội vụ đã làm việc với Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TP.HCM; đại diện các Hội thánh, nhóm Tin Lành hoạt động tôn giáo trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam; Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sẵn sàng trưng dụng cơ sở tôn giáo làm khu điều trị, cách ly

Làm việc với lãnh đạo Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TP.HCM, Tổ công tác đã trao đổi một số thông tin về tình hình các tổ chức tôn giáo trên địa bàn; tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo; tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức tôn giáo trong việc cung ứng hàng hóa vào vùng dịch; tổ chức khu điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19 và hỗ trợ tiêm vaccine cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo,...

Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng đề nghị lãnh đạo Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TP.HCM phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác để hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động thiện nguyện, phát huy nguồn lực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tiếp tục ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 do Chính phủ thành lập; trao đổi, làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo để có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ, trao đổi thông tin cần thiết; thống nhất với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo có phương án khảo sát, đánh giá, lựa chọn các cơ sở tôn giáo đủ điều kiện để đề xuất với cấp có thẩm quyền hoặc Tổ Công tác của Thủ tướng thành lập bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, khu điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19 khi có yêu cầu.

Việt Nam Quốc tự (tại Quận 10, TP.HCM) - một trong số các ngôi chùa GHPGVN TPHCM dự kiến đề xuất trưng dụng thành khu cách ly

Đề xuất để công tác cứu trợ thuận lợi hơn

Ngày 31/8/2021, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng làm việc trực tuyến với đại diện các Hội thánh, nhóm Tin Lành hoạt động tôn giáo trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cùng dự có ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác tôn giáo phía Nam và các thành viên trong Tổ Công tác, tại điểm cầu TP. Hà Nội có bà Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin Lành, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Về phía các Hội thánh, nhóm Tin Lành có Mục sư Lê Quốc Huy, Chủ tịch Tổng hội Báp-tít Việt Nam; Mục sư Nguyễn Võ Khánh Giám, Hội trưởng Giáo hội Báp-tít Việt Nam; Mục sư Huỳnh Huyền Vũ, Tổng Trưởng nhiệm Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam; Mục sư Dương Thành Lâm, Tổng Quản nhiệm Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam; ông Phạm Đình Nhẫn, Tổng Quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; ông Hồ Tấn Khoa, đại diện Giáo hội Tin Lành Trưởng lão Liên hiệp Việt Nam; ông Dương Quang Vinh, đại diện Hội thánh Tin Lành Agape Việt Nam; ông Lâm Thiên Lộc, đại diện Giáo hội Tin Lành Giám lý Việt Nam; ông Phạm Tuấn Nhượng, đại diện Hội thánh Tin Lành Lời sự sống Việt Nam và Sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Dòng Đa-minh Tam Hiệp cùng tham dự.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng Tin Lành nói chung, các Hội thánh, nhóm Tin Lành phía Nam nói riêng trong việc nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện thời gian vừa qua; Đề nghị các bên tham dự thông tin về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phòng chống dịch và việc triển khai hoạt động thiện nguyện trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh phía Nam hiện nay

Thông tin về mục đích, nhiệm vụ của Tổ Công tác, ông Nguyễn Tiến Trọng nêu rõ: Là lực lượng tăng cường, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Tổ công tác sẽ hướng dẫn và đồng hành với các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trong phòng, chống dịch Covid-19 nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh, chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần và khích lệ các tôn giáo tiếp tục ủng hộ, tham gia công tác an sinh xã hội.

Với lòng tri ân trước sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền và trách nhiệm với xã hội, đại diện các Hội thánh, nhóm Tin Lành, sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã thông tin về những việc làm, kết quả đạt được trong hoạt động từ thiện nhân đạo, phòng chống dịch bệnh; khẳng định tiếp tục nỗ lực hơn cho các hoạt động vì cộng đồng không phân biệt tôn giáo, hoàn cảnh, điều kiện, sẵn sàng tham gia với tư cách tình nguyện viên, tuyến sau của lực lượng chức năng để hỗ trợ và giảm tải công việc cho các cấp chính quyền.

Không kể màu áo, sắc phục tôn giáo, các tình nguyện viên tham gia phục vụ tại các bệnh viện

Thông qua Tổ công tác, đại diện các Hội thánh, tổ chức, cá nhân tham dự đã phản ánh một số khó khăn trong hoạt động cứu trợ và gửi gắm một số kiến nghị, đề xuất tới các cơ quan chức năng liên quan của thành phố và Trung ương về việc: Xem xét cấp giấy đi đường cho một số phương tiện và cá nhân tôn giáo đủ điều kiện tham gia vận chuyển lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế để hỗ trợ và giảm tải cho các lực lượng chức năng; Không giới hạn khung giờ phục vụ đối với phương tiện và cá nhân tham gia cung cấp ô xy, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà; Mở rộng phạm vi cứu trợ cho một số phương tiện của các Hội thánh được tới một số vùng giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai; Sử dụng các tổ thiện nguyện của tôn giáo tham gia hỗ trợ cộng đồng ngay tại cơ sở dưới sự điều phối của chính quyền; Căn cứ vào tình hình thực tế có nhiều tín hữu, chức sắc các tôn giáo bị nhiễm bệnh, nhiều người đã mất, đề nghị cho phép mỗi tổ chức tôn giáo (cấp Trung ương Giáo hội) có hai hoặc ba nhân sự đến cơ sở tôn giáo để giảng trực tuyến, cầu thay, chúc phước, khích lệ tinh thần lạc quan cho tín hữu, nhất là những gia đình có người nhiễm bệnh, mất và cảnh báo các “tà giáo”.

Ghi nhận và chia sẻ khó khăn với các bên tham dự buổi làm việc và để các đề xuất, kiến nghị nêu trên của các bên được xem xét khả thi, Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng đề nghị các Hội thánh, Hội nhóm Tin Lành, tổ chức, cá nhân tham dự cần tính toán đến việc tập trung lại các nguồn lực, thu gọn đầu mối, tổ chức lại việc cứu trợ để tránh manh mún, nhỏ lẻ; ngoài việc trực tiếp tham gia hỗ trợ, cần tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc liên hệ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương để thông qua đó gửi hàng cứu trợ đến với đồng bào và hỗ trợ tốt hơn các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.

Tiếp tục làm chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân Covid-19

Ngày 1/9/2021, Tổ công tác tiếp tục làm việc với Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, đi cùng đoàn có ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác tôn giáo phía Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đoàn, có Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tại buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận và trân trọng những đóng góp của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong việc cùng các cấp, ngành thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ người gặp hoàn cảnh khó khăn, với nhiều hình thức khác nhau như: vận động, kết nối mọi nguồn lực để ủng hộ “Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19” do Chính phủ thành lập; tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo giúp đỡ người dân trong vùng dịch; đặc biệt, kêu gọi hàng ngàn Linh mục, nam, nữ tu sĩ, đồng bào Công giáo trực tiếp vào tâm dịch, phục vụ các bệnh viện tuyến đầu, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19; nhiều hội dòng, dòng tu, giáo xứ đã tự nguyện dùng cơ sở tôn giáo làm nơi cách ly tập trung,...

Điểm tập kết nhu yếu phẩm được gửi về Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam để hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại TP.HCM

Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ: “Trước những thiệt hại về vật chất, tinh thần và cả tính mạng mà đại dịch Covid-19 gây ra cho đất nước, cho nhân dân, trong đó có Giáo hội Công giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời thăm hỏi, động viên đến toàn thể đồng bào Công giáo, nhất là các chức sắc, tu sĩ, bà con giáo dân bị nhiễm Covid-19”. Đề nghị Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam thông tin những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức các hoạt động bác ái, thiện nguyện để Tổ công tác phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ, giúp đỡ.

Thay mặt chức sắc, tu sĩ trong Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ nói riêng và các ngành, địa phương nói chung đã luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời Giáo hội Công giáo Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cũng như tổ chức các hoạt động bác ái xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.

Linh mục cũng thông tin thêm về những kết quả trong công tác phòng, chống dịch, hoạt động thiện nguyện bác ái của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, dự định sắp tới sẽ tiếp tục kêu gọi các tu sĩ là những người có chuyên môn về tâm lý để vào các bệnh viện động viên, an ủi những ca nhiễm bệnh nặng, làm chỗ dựa tinh thần vượt qua Covid-19; tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ người gặp hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch.

Sự có mặt của Tổ Công tác đã thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhằm nắm bắt nhanh nhạy tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong điều kiện dịch bệnh; khẳng định sự kết nối trong công tác quản lý và hoạt động thực tiễn; tri ân, động viên, khích lệ các tổ chức tôn giáo giữ vững tôn chỉ mục đích hoạt động và phẩm chất từ bi bác ái; tăng tình đoàn kết tạo thành sức mạnh nhất là trong những lúc đất nước gặp khó khăn.

Trí Việt (tổng hợp)

Bài liên quan
  • Góp nguồn lực quan trọng vượt qua đại dịch
    (TN&MT) - Đồng hành cùng cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với mức độ diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất, các tổ chức tôn giáo Việt Nam và cơ quan quản lý Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo đã thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO