Tiếng quê hương

Cẩm Tú| 20/01/2020 22:40

(TN&MT) - Mùa Xuân Canh Tý này người Việt ở nước ngoài về quê ăn Tết sẽ nhiều hơn. Thông tin ấy như khẳng định hai tiếng quê hương vẫn mãi là niềm thiêng liêng, là cội nguồn chẳng bao giờ mất trong lòng mỗi người dân Việt.

Giữa đất trời Xuân sang, lắng hồn mình trong hanh hanh nắng vàng, lất phất mưa xuân, thấy yêu vô cùng đất nước mình trên mỗi nẻo đường. Quê hương, ấy là không gian để ta hướng tới, hoài nhớ, để kỷ niệm ấu thơ đã qua trỗi dậy, tràn về mỗi mùa xuân đến. Những tình cảm ấy thật tự nhiên, hồn hậu, không khiến người ta bị phân ranh, đóng gói trong cái gọi là địa phương. Đất nước thì đâu mà chẳng là quê hương!

 

Ai cũng nói vậy, nhưng rồi những khuôn thước xưa và quan niệm hành chính nay đang làm cho quê hương bị nhỏ hẹp trong mỗi người. Bây giờ, không ít lúc ai đó đã lồng quê hương trong các địa giới hành chính. Và nặng hơn, quê hương biên chế theo các không gian chỉ để cho tiện quản lý. Tình yêu quê hương, bởi thế nếu phát triển quá đáng dễ biến thành ước muốn “thể hiện”, làm người ta rơi vào cục bộ mà không hay. Trong môi trường quyền lực, tình tự quê hương đóng khung còn có thể dẫn đến cách hành xử thiên lệch, thiếu khách quan… Nghĩa đất, tình quê trong các điều kiện như vậy sẽ kém dần ý nghĩa.

***

Không chỉ có vậy, tâm lý cục bộ ấy dễ nảy sinh các tranh thủ phi kinh tế, sự cạnh tranh giữa các không gian hạn hẹp, gây phí phạm, thậm chí, triệt tiêu lợi thế của nhau. Điều này làm cho các nguồn lực hay lợi thế kinh tế theo địa dư kém phát huy. Việc xúc tiến đầu tư ở nhiều tỉnh thành là một điển hình, mạnh ai lấy làm, không cần biết kế bên mình ra sao. Tài nguyên theo đó cũng vơi dần trong sự bành trướng quá đáng của con người.

 

Một điển hình như Đà Nẵng, thu hút đầu tư rất tốt. Nhưng cũng chính Đà Nẵng - đã trở thành tâm điểm của dư luận về việc bán “mặt tiền” trước biển, “lấp” kín không gian chung của người dân thành phố này. Không chỉ Đà Nẵng, hiện chúng ta có đến 63 cái “nhùng nhằng” này. Nơi nào cũng có lợi thế, cũng đầy tiềm năng, nhưng thứ sản phẩm chung, chủ lực nhất mà nơi nào cũng gọi là “thế mạnh” vẫn thường chỉ là… đất. Cuộc rượt đuổi giữa những cái “tôi có, anh có”, giữa những đầu mối kinh tế ấy đã để lại những “đích đến” cười ra nước mắt. Ngoài sự thảm hại của nhiều “ngành công nghiệp tỉnh”, thông tin về sự tranh thủ những lợi ích quốc gia - xin cho tỉnh mình, nói cho tỉnh mình một chút (trên nhiều diễn đàn) - đã cho thấy, cái Tâm đã hại cái Tầm!?

 ***

Quê hương không phải là trong khuôn của địa giới hành chính. Ấy phải là cái tình quê rất đỗi thân thương; là từng gốc tre, bờ mật, là mùi rạ mẹ mới phơi cuối chiều… Nếu cứ chiếu theo địa giới hành chính thì cái tình quê hương sẽ bị sẻ chia, sẽ khiến con người ta bị tổn thương, hụt hẫng. Đã là thực tế từ những cuộc chia tách tỉnh, sự phân biệt quê này, quốc kia đã khiến nhiều người mất ngủ cho những đợt “bố trí”. Chao ôi, cái tình hạn hẹp ấy đang không còn là chuyện lạ, nó “di căn” vào nhiều ngóc ngách. Có thể tách địa giới hành chính, ai lại tách tình quê, tình đồng hương, bản quán!!!?

***

Giữa đất trời Xuân sang, ta đứng đây trong lòng đất nước. Hai tiếng quê hương như niềm thương, nỗi nhớ. Mới hay, trong dòng chảy bất tận của thời gian, trong bao la của không gian, trời đất, con người ta chỉ lớn lên, bao quát cả thế giới khi tình yêu thương vượt lên cái tôi riêng một. Mỗi mùa Xuân đến, ta hãy thả hồn mình cho tình yêu chắp cánh bay cao, bay xa. Quê hương, có thể là cái tình sâu đậm ta dành cho chốn sinh thành, nhưng tình yêu quê hương ấy sẽ lớn hơn khi ta mở rộng lòng mình - rộng hơn nơi tôi (bạn) nhớ và nhiều hơn nơi tôi (bạn) sống. Tình quê hương, ấy là cái tình để ta mở lòng, để ta bịn rịn với từng dòng sông, con nước, với mỗi cánh rừng, bản làng, chòm xóm, với mỗi bà mẹ Việt Nam sớm chiều tần tảo; với mỗi em thơ nơi vùng bão lũ đi qua….

Lâng lâng kỷ niệm, dưng dưng nỗi nhớ. Xuân Canh Tý đang đến thật gần. Khai mở lòng đất, ngước lên trời xanh, phóng tầm mắt ra xa khơi muôn dặm, mỗi tấc đất trên thân thể Tổ quốc - ấy là tài nguyên ta không thể hoang phí, cần chắt chiu cho thế hệ sau. Ta nhìn ra như thế để tình yêu quê hương lớn lên thành tình yêu đất nước. Để tất cả trong ta quê hương không chỉ một… để ta không vô tình với nơi cưu mang ta, với nơi ta đã và sẽ đến trên đất nước mình.  Và cũng bởi một điều thật giản dị: “Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người…” - Đỗ Trung Quân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO