Biến đổi khí hậu

Tiên Yên (Quảng Ninh): Chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu

Phạm Hoạch 22/03/2024 - 12:00

(TN&MT) - Tiên Yên là một trong những địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh nằm trong khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu (BĐKH) và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, mưa, bão. Nhận thức được điều này, thời gian qua, huyện Tiên Yên đã có nhiều giải pháp, mô hình sản xuất ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Xây dựng phương châm “4 tại chỗ”

Là huyện miền núi, ven biển nên Tiên Yên có địa hình chia cắt, phức tạp, phần lớn là đất dốc, thung lũng nhỏ hẹp, xen lẫn xã ven biển, gây không ít khó khăn trong việc mở rộng quy mô và liên kết sản xuất tập trung cũng như phát triển hạ tầng. Ngoài ra, do địa hình phức tạp nên Tiên Yên thường chịu tác động bởi nhiều loại hình thời tiết cực đoan.

anh-ty-002.jpg

Hiện tại, 100% số xã trên địa bàn huyện Tiên Yên đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hàng năm, huyện đều tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời ngay khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Cùng với đó, địa phương đã triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH chủ động, hiệu quả, ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai chủ yếu, thường xuyên xảy ra trên địa bàn, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão theo phương châm “4 tại chỗ” được phê duyệt theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, Tiên Yên bố trí vốn ngân sách định kỳ tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ, đập hiện có, cũng như đầu tư xây mới các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Huyện cũng đã hoàn thành khu neo đậu tránh trú bão mới cho tàu thuyền nghề cá giai đoạn 1 với sức chứa dành cho 282 tàu neo đậu, với 92 phao neo đảm bảo theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, nhất là xây dựng các phương án chủ động ứng phó với BĐKH, giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Những năm qua, Huyện đoàn Tiên Yên đã có nhiều hoạt động tiêu biểu như hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, năm 2023, tất cả các cơ sở đoàn triển khai “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” với các hoạt động dọn vệ sinh tuyến đường thanh niên tự quản, trồng cây, hoa, chăm sóc vườn hoa thanh niên, thu gom rác thải nhựa trên địa bàn các xã, thị trấn. Đồng thời, triển khai 4 chương trình ra quân “làm sạch biển” tại các xã Tiên Lãng, Hải Lạng, Đông Hải và Đồng Rui để thu gom phao xốp, rác thải dọc 3km đê biển.

Nhiều mô hình thích ứng BĐKH

Thời gian qua, huyện Tiên Yên đã tập trung phát triển sản xuất, đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Để phát triển sản xuất thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp của huyện đã đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững, từng bước thay đổi phương thức canh tác, áp dụng mô hình sản xuất tiết kiệm nước, thích ứng với thời tiết, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

anh-ty-001.jpg
Thanh niên huyện Tiên Yên phát động trồng cây xanh dọc đường vào xã vùng sâu Đại Dực, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

Những năm qua, huyện Tiên Yên đã tập trung mở rộng diện tích cây trồng chủ lực, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, đã có 6/10 xã gồm: Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Hải Lạng, Đồng Rui và Yên Than thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nguồn nước đối với cây lúa trên diện tích trên 1.145ha. Riêng trong năm 2023, huyện đã mở rộng thêm 70ha trồng giống lúa chất lượng cao. Ngoài ra, mở rộng vùng chuyên canh trồng cây dược liệu với diện tích 5,5ha và đưa diện tích trồng khoai tây Atlantic lên quy mô 60ha.

Địa phương đã tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, tiết kiệm nguồn nước, tuân thủ các biện pháp an toàn trong chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên theo quy mô tập trung với trên 500con/lứa, trong đó có 10 trang trại duy trì chăn nuôi thường xuyên hơn 5.000 con.

Ông Lý Văn Diểng - Giám đốc Công ty CP Phát triển Chăn nuôi và Nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, cho biết: “Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển đàn gà mang thương hiệu Tiên Yên vốn có từ xa xưa. Từ năm 2014, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh phối hợp với huyện hỗ trợ công ty chúng tôi triển khai dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo giống gà Tiên Yên. Với việc áp dụng khoa học, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, hệ thống nước sạch, sử dụng tiết kiệm, tỷ lệ trứng thành phẩm đạt hơn 900 con/1.000 quả trứng ấp. Mỗi năm, Công ty cho ra lò 600.000 - 700.000 con gà giống”.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm huyện Tiên Yên đang tích cực triển khai góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH đó là công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, rừng ngập mặn ven biển đang được tích cực nhân rộng với diện tích 3.690ha. Những cánh rừng ngập mặn đang hình thành “lá chắn xanh” bảo vệ an toàn vùng dân cư các xã ven biển trước những cơn sóng dữ, triều cường, nhất là vào mùa mưa bão, đồng thời, tạo sinh kế cho người dân từ việc trồng, bảo vệ rừng và thu hoạch dưới chân rừng.

Ông Hoàng Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, nhấn mạnh: Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao, tập trung phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả thích ứng thời tiết và đẩy mạnh tuyên truyền ứng phó với BĐKH đến cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiên Yên (Quảng Ninh): Chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO