Tiên Lãng (TP. Hải Phòng): Lập khống hồ sơ rút tiền di giãn dân?

04/12/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm nay, nhân dân các xã Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng… của huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) đã gửi đơn thư vượt cấp để khiếu kiện, tố cáo những khuất tất trong việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân xây dựng kinh tế mới. Năm này qua tháng khác, đơn chồng đơn!

Không minh bạch tài chính

Năm 1986, Đông Hưng, Tây Hưng là 2 xã mới được thành lập của huyện Tiên Lãng. Để khai hoang xây dựng kinh tế mới, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đã thực hiện di giãn dân quy mô lớn, bắt đầu từ năm 1986, kết thúc vào năm 2009. Trong đó, về Đông Hưng có 564 hộ (290 hộ di dân, 274 hộ giãn dân); về Tây Hưng có 739 hộ (384 hô di dân, 255 họ giãn dân).

 Nhân dân xã Đông Hưng vẫn tiếp tục khiếu kiện những khuất tất trong việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân.
Nhân dân xã Đông Hưng vẫn tiếp tục khiếu kiện những khuất tất trong việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân.

Thực hiện di giãn dân, huyện Tiên Lãng hỗ trợ mỗi hộ 2,7 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ này được ông Vũ Đức Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng xác nhận là có thực trong buổi làm việc với phóng viên.

Nhưng theo phản ánh của các hộ di giãn dân, họ không được nhận 2,7 triệu đồng/hộ như thông báo mà chỉ được nhận 100 - 200 nghìn đồng/hộ. Các hộ di giãn dân về Đông Hưng, Tây Hưng tố cáo, số tiền còn lại đã bị lãnh đạo chính quyền địa phương tự ý thu lại mà không rõ lý do.

Việc các hộ di giãn dân không nhận đủ số tiền hỗ trợ cũng đã được ông Vũ Đức Cảnh xác nhận. Nguyên nhân của việc không trả tiền cho dân được lý giải là khi chi trả tiền hỗ trợ, UBND xã Đông Hưng và Tây Hưng đã vận động nhân dân đóng góp vào ngân sách xã; không rõ số tiền thu lại đó đã được các địa phương quản lý như thế nào, sử dụng ra sao.

Nếu tính tối đa một hộ thực nhận 200 nghìn đồng thì với 564 hộ di giãn dân, số tiền hỗ trợ mà xã Đông Hưng đã chi trả mới hơn 112 triệu đồng, trong khi số tiền cấp cho việc hỗ trợ di giãn 564 hộ là hơn 1,5 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, với khoản kinh phí này là rất giá trị, song không biết việc quản lý, sử dụng được thực hiện như thế nào?

Tương tự, ở Tây Hưng có 739 hộ di giãn dân, sẽ được bố trí gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ. Nhưng nếu tối đa mỗi hộ chỉ được nhận 200 nghìn đồng, xã cũng chỉ chi trả gần 150 triệu đồng, trừ đi thì còn khoảng 1, 85 tỷ đồng chưa rõ ràng.

Sự thiếu minh bạch, mất dân chủ trọng việc quản lý, chi trả tiền hỗ trợ cho dân khiến dư luận đặt câu hỏi về những tiêu cực trong quản lý tài chính, quản lý đất đai và là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở huyện Tiên Lãng.

Có hay không việc lập khống hồ sơ để rút tiền?

Mới đây ngày 20/10/2016, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn kêu cứu của 40 hộ di giãn dân của thôn Duyên Hải, xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng. Các hộ dân phản ánh, năm 1997, khi di giãn dân về thôn Duyên Hải, đáng lẽ họ được hỗ trợ 2,7 triệu đồng, nhưng chỉ được nhận 600 nghìn đồng.

Bà Vũ Thị Chầm, đại diện 40 hộ di giãn dân thôn Duyên Hải, xã Tiên Hưng phản ánh với phóng viên ngày 20/10/2016.
Bà Vũ Thị Chầm, đại diện 40 hộ di giãn dân thôn Duyên Hải, xã Tiên Hưng phản ánh với phóng viên ngày 20/10/2016.

Bà Vũ Thị Chầm (sinh năm 1957), một trong các hộ di giãn dân về thôn Duyên Hải, cho hay: “Đáng lẽ chúng tôi được nhận 2,7 triệu đồng, nhưng đến nay, chỉ được nhận 600 nghìn đồng. Còn xã thu lại 2 triệu đồng, 100 nghìn đồng ông Trưởng thôn thu để làm giấy tờ thủ tục”.

Nhiều năm nay, các hộ dân ở thôn Duyên Hải đã làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền làm rõ việc xã thu lại 2 triệu đồng tiền chính sách hỗ trợ di giãn dân. Các hộ dân cho rằng, việc thu lại số tiền hỗ trợ có nhiều khuất tất, giấy tờ thủ tục bị làm “khống” để ăn chặn của dân.

Phản ánh của 40 hộ di giãn dân thôn Duyên Hải không phải là không có cơ sở. Trong Phiếu thu ngân sách xã số 312, ngày 31/12/1997 của UBND xã Tiên Hưng mà bà Chầm còn lưu giữ được thể hiện rõ số tiền mà xã thu lại của các hộ di giãn dân. Trong phiếu này, không có tên, chữ ký của người nộp tiền; chỉ có chữ ký của cán bộ xã, thủ quỹ (không ghi rõ tên họ, chức vụ).

Đáng bàn hơn, trong Phiếu số 312, lý do mà UBND xã Tiên Hưng thu lại 2 triệu đồng tiền hỗ trợ di giãn dân là để phục vụ xây dựng cơ bản. Nhưng theo phản ánh của các hộ di giãn dân, từ năm 1997 đến nay, họ vẫn phải đóng góp các loại phí, thuế, trong đó, có phí xây dựng cơ bản.

Trong các khoản thu ngân sách của xã Tiên Hưng, khoản thu đóng góp xây dựng cơ bản được thu theo thóc, bình quân khoảng 60kg/hộ (quy thành tiền khoảng 154 nghìn đồng/hộ/năm). Riêng vụ chiêm năm 2016, mỗi hộ ở xã Tiên Hưng phải đóng góp 60,8kg thóc để đóng góp xây dựng cơ bản. Tính gộp tất cả các khoản thu trong vụ chiêm 2016, mỗi hộ dân ở xã Tiên Hưng phải đóng vào ngân sách xã gần 2,5 triệu đồng/hộ.

Chưa làm rõ vụ việc

Những phản ánh của nhân dân xã Đông Hưng, Tây Hưng, mới đây là của 40 hộ dân xã Tiên Hưng đã được Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải. Báo đã nhận được phản hồi từ phía UBND huyện Tiên Lãng về các nội dung liên quan. Tuy vậy, việc phúc đáp thông tin Báo nêu của huyện đến nay, chưa được thỏa đáng.

Phiếu thu ngân sách xã số 312 của UBND xã Tiên Hưng thu lại 2 triệu đồng của các hộ di giãn dân có dấu hiệu bị “lập khống”.
Phiếu thu ngân sách xã số 312 của UBND xã Tiên Hưng thu lại 2 triệu đồng của các hộ di giãn dân có dấu hiệu bị “lập khống”.

Mới đây nhất, ngày 19/10/2016, UBND huyện Tiên Lãng có Công văn số 1104/UBND-VP về việc làm rõ thông tin nội dung Báo nêu. Trong công văn này, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định “việc cấp phát kinh phí hỗ trợ được tiến hành chi trực tiếp cho các hộ, có sự giám sát của Chi cục Di dân, Kho bạc Nhà nước huyện Tiên Lãng, Công an huyện, các cơ quan liên quan và UBND các xã”.

Câu hỏi đặt ra ở đây, nếu tiền hỗ trợ di giãn dân được chi trực tiếp cho các hộ, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng lẫn cơ quan chuyên môn của thành phố, của huyện thì đáng lẽ, các hộ di giãn dân ở Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng đều phải được nhận đủ 2,7 triệu đồng/hộ chứ không phải là 100 - 200 nghìn đồng/hộ, cao nhất là 600 nghìn đồng/hộ như thực tế đã diễn ra. Phải chăng, những giấy tờ liên quan đến chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân đã được “lập khống”?.

Thiết nghĩ, TP. Hải Phòng cần sớm chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra làm rõ quá trình chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân ở huyện Tiên Lãng. Đây có thể là chìa khóa giải quyết dứt điểm tình trạng đơn thư khiếu kiện, tố cáo vượt cấp kéo dài trong những năm qua.

Bài và ảnh: Sỹ Hào - Xuân Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiên Lãng (TP. Hải Phòng): Lập khống hồ sơ rút tiền di giãn dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO