Tiền Giang: Nhiều giải pháp xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông

14/08/2018 14:01

(TN&MT) - Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra nhanh chóng, nhiều về số điểm sạt và nghiêm trọng về mức độ. Trước tình hình trên, các ngành, các cấp tỉnh Tiền Giang đã có nhiều phương án xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

R1
Nhiều nhà ở dọc theo tuyến sông, rạch bị xói lở sâu vào trong

Bờ biển xâm thực nặng

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết: Tiền Giang có 32 km bờ biển, trong đó có 21 km thuộc huyện Gò Công Đông và 11 km thuộc huyện Tân Phú Đông. Trước kia, bên ngoài bờ biển của tỉnh đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100m đến 800m. Thời gian gần đây rừng phòng hộ ven biển suy thoái dần, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay.

Qua tổng kết, từ năm 1973 đến nay bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền từ 120m tại xã Kiểng Phước, sâu vào đất liền từ 600m - 800m tại xã Tân Điền và Tân Thành thuộc huyện Gò Công Đông. Diện tích đất ven biển bị mất do xâm thực từ năm 1973 đến nay là trên 1.300 ha, trong đó tính riêng giai đoạn từ 2006 đến nay là trên 500 ha. Đáng lưu ý là tại khu vực ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, (Gò Công Đông) tốc độ sạt lở trong năm qua rất nhanh, tỉnh phải lập dự án di dời khẩn cấp 47 hộ dân.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, trước tình hình rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, tại những vị trí rừng không còn hoặc đai rừng mỏng đã được đầu tư kè mái đê. Tính đến nay đã kè được 6.791m.  Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư công trình gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công với số tiền là 56,22 tỷ đồng để xây kè mềm giảm sóng dài 1.420m. Theo số liệu quan trắc từ tháng 12/2016 đến nay bồi được 0,3 - 1,43m Dự kiến nếu bồi tốt sẽ trồng được khoảng 18 ha rừng theo dự án.

R2
Tuyến đê xung yếu Gò Công hiện còn rất ít rừng phòng hộ bảo vệ

Bờ sông, kênh, rạch sạt lở nghiêm trọng

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Pháp, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng với qui mô, mức độ sạt lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê từ năm 2010 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 545 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng 26.135 m, kinh phí 154 tỷ đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, đã xảy ra 67 điểm sạt lở với chiều dài 6.729 m, tổng kinh phí dự toán để xử lý là 50,2 tỷ đồng.

Trong đó, tại huyện Cái Bè có 9 điểm, chiều dài 716m; huyện Cai Lậy 26 điểm, chiều dài 4.233m; thị xã Cai Lậy 8 điểm, chiều dài 912m; huyện Châu thành 21 điểm, chiều dài 641m; TP. Mỹ Tho có 03 điểm, chiều dài 227m. Đến nay đã xử lý được 11 điểm với chiều dài 1.139m, kinh phí 27,9 tỷ đồng. Các điểm còn lại địa phương đang hoàn chỉnh thủ tục chuẩn bị triển khai thi công.

Ngoài ra, sạt lở tại ấp Cầu Muống, xã Tân Thành (Gò Công Đông), UBND tỉnh Tiền Giang đã cho chủ trương lập dự án di dời khẩn cấp 47 hộ dân. Trong khi chờ xin Trung ương duyệt dự án, UBND tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương cho xử lý bằng giải pháp kè mềm với chiều dài 1.500m từ khu lịch Vạn Bình An đến Ban Quản lý Công Bãi. Sạt lở trên sông Tiền tại cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, chiều dài 2.000m, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…

R3
Đầu tư nhiều công trình chống xói lở bờ sông

Nhiều giải pháp khắc phục sạt lở

Ông Nguyễn Thiện Pháp cho hay: Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang đã có nhiều phương án xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong đó, về giải pháp phi công trình, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá tình hình sạt lở và đề xuất giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, hằng năm tỉnh hỗ trợ huyện kinh phí để thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ mái sông, kênh, rạch để hạn chế sạt lở.

Đối với giải pháp công trình, các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở tại các khu vực sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Chủ động huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình… để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ngoài ra, nhằm giúp cho địa phương chủ động tiến hành xử lý ngay các điểm sạt lở, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài Chính tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Bên cạch đó, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện mô hình kè giữ lục bình và trồng cây để phòng chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây.

Riêng về phòng chống xâm thực bờ biển, ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết: Trong thời gian tới,  tỉnh sẽ tổ chức quản lý tốt rừng ngập mặn hiện có. Quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên toàn tuyến đê biển để có tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời. Trước mắt, tiếp tục đầu tư gia cố bảo vệ mái đê biển tại những vị trí sạt lở không còn rừng phòng hộ. Về lâu dài, tỉnh có giải pháp công trình để làm giảm sóng, gây bồi nhằm khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ vững chắc tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Nhiều giải pháp xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO