Tiền Giang, Long An, Bến Tre: Tăng cường giải pháp ứng phó với hạn, mặn

K.Liên| 23/04/2020 12:58

(TN&MT) - Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang diễn ra rất phức tạp, chính quyền địa phương các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre đã tăng cường các giải pháp, quyết tâm ứng phó với hạn, mặn.

Hạn, mặn ở ĐBSCL đang diễn ra gay gắt và hết sức khốc liệt

Theo đánh giá của các địa phương, nhờ thông tin xâm nhập mặn được cảnh báo sớm, nhiều diện tích lúa đã được dịch chuyển thời vụ phù hợp nên tránh được hạn mặn; ngoài ra, các công trình thủy lợi mới được đầu tư, kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, dù tình hình hạn, mặn năm nay khốc liệt hơn nhiều năm, nhưng đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Được kết quả này là do có sự quyết tâm của tỉnh, của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó.

Cụ thể, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 9 điểm bơm ở các tuyến kênh chính nhằm đảm bảo nước sản xuất cho vùng phía Đông. Các địa phương trong tỉnh đã nạo vét 119 tuyến kinh bị cạn, tổ chức bơm chuyền tại 439 điểm bơm tiếp nước,... Qua đó, đã bảo vệ thành công và thu hoạch gần 24.500 ha lúa Đông Xuân 2019 - 2020. 

Bên cạnh đó, Tiền Giang đã thực hiện tốt việc vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp vườn cây ăn trái, để bảo vệ khoảng trên 2.200 ha cây ăn trái bị thiếu nước tưới trong vùng ngọt hóa Gò Công. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân phối cho trên 1.500 hộ dân với gần 60.000 m3 nước ngọt.

Hệ thống thủy lợi Bảo Định chủ động điều tiết nguồn nước cho hai tỉnh Tiền Giang và Long An

Đối với nước sinh hoạt, nhờ chủ động đắp đập trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác nên tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho hơn 800.000 dân của huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho và các huyện, thị phía Đông. 

Cùng với đó, mở 168 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ dân ở ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung và mở 50 điểm lấy nước qua bồn chứa nước tại các vị trí thiếu nước. Đồng thời, Tiền Giang cũng đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt phục vụ cho đời sống dân sinh. 

Trước tình hình hạn, mặn còn diễn ra gay gắt, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh khẩn trương khảo sát lại hệ thống kinh, mương dẫn nước và có phương án xử lý các điểm sạt lở. 

Về lâu dài, các Sở, ngành và địa phương tỉnh Tiền Giang sẽ có nghiên cứu tổng thể đối với vùng ngọt hóa Gò Công để hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Đồng thời, cương quyết thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng. vật nuôi đảm bảo phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều diện tích thanh long tại tỉnh Long An hiện đang thiếu nước ngọt 

Trong khi đó tại Long An, ông Phạm Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay, tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa phương để nắm bắt thông tin về nguồn nước. Cùng với đó, nhờ sự hỗ trợ từ phía tỉnh Tiền Giang cho mở rộng cống Rạch Gốc, Cầu Quán, Quản Thọ để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh – Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước tưới cho trên 10.000 ha thanh long của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. 

Theo ông Phạm Văn Cảnh, thời gian tới, Long An sẽ đầu tư hoàn chỉnh lắp đặt kịp thời 16 cửa cống dọc tuyến Quốc lộ 62 để chủ động điều tiết, ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối như Cống Bà Phổ, Vàm Kênh, Cây Gáo (huyện Thủ Thừa) để bơm tạo nguồn nước cho hệ thống thủy lợi Nhật Tảo – Tân Trụ.

Hợp đồng với Công ty Cổ phần nước DNP Long An bơm nước thô từ hệ thống thủy lợi Rạch Chanh – Nguyễn Văn Tiếp để xả nước thô vào các đầu kênh để người dân bơm nước vào ruộng góp phần cứu gần 1.000 ha lúa của huyện Tân Trụ và phía Nam huyện Thủ Thừa. Về lâu dài, tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước cho vùng hạ - nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của tỉnh về xâm nhập mặn. 

Bến Tre đã và đang xây dựng các hạng mục hệ thống thủy lợi khép kín nhằm ngăn mặn, trữ ngọt

Riêng đối với tỉnh Bến Tre, ông Phan Văn Mãi – Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã đắp 10 đập tạm trữ nước, nạo vét 260 km tuyến kênh nội đồng; vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri trữ trên 800.000 m3 nước; lắp đặt và vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO; vận động các cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nước ngọt cho người dân... 

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, Bến Tre đã và đang xây dựng các hạng mục hệ thống thủy lợi khép kín, quyết tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2023 như: hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; dự án cung cấp nước sạch cho khu vực Cù lao Minh; các dự án đê, kè, đập thủy lợi đầu mối ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. 

Song song đó, Bến Tre sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; các cống, âu thuyền lớn để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt trong thời gian tới. Đầu tư, mở rộng tuyến dẫn nước thô về các nhà máy nước, đồng thời nghiên cứu xây dựng phương án trữ nước ngọt trong lòng đất tại các khu vực phù hợp.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và quy hoạch phát triển tỉnh phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang, Long An, Bến Tre: Tăng cường giải pháp ứng phó với hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO