Tiền đề quan trọng đạt mục tiêu dự báo

Lan Chi - Văn Dinh - Hoàng Nghĩa - Nguyễn Quỳnh (lược ghi)| 13/04/2023 09:07

(TN&MT) - Là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời, chịu nhiều tác động, rủi ro từ thiên tai, dự báo, cảnh báo chính xác thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối… sẽ góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội một cách hiệu quả. Một trong những tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro là việc lập bộ bản đồ phân vùng rủi ro, cảnh báo thiên tai.

Nhận thức rõ điều này, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục KTTV thực hiện Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối”, trong đó, Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ là đơn vị chủ trì thực hiện từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2025.

Phân vùng rủi ro thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết

Theo ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, bên cạnh việc dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ các hoạt động KT - XH hàng ngày, thông tin KTTV có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các cơ sở khoa học để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển KT - XH ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo từng lĩnh vực trên phạm vi cả nước hoặc từng địa phương.

8-9-3-.jpg

Dự báo dựa trên tác động giúp dự đoán tác động tiềm ẩn của thiên tai

Để có thể đáp ứng được các yêu cầu này, thông tin chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Do đó, việc lập bộ bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai cần đảm bảo đạt được cả mục tiêu hỗ trợ xây dựng Chiến lược, quy hoạch phát triển KT - XH và phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Với phân tích trên, ông Hòa nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối” là hết sức cần thiết và cấp bách. Nhiệm vụ được triển khai sẽ góp phần quan trọng thực hiện thành công chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng thời, nhiệm vụ góp phần nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối của Ngành KTTV, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, thành công của dự án cũng tạo tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu “dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro” như đã đề ra trong chiến lược phát triển Ngành KTTV tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường

Mỗi dự án triển khai đều nhận được sự quan tâm về tính hiệu quả và tác động của nó đối với xã hội và môi trường. Đánh giá hiệu quả về mặt xã hội của dự án, ông Võ Văn Hòa cho biết: Thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối đã và đang diễn ra thường xuyên tại Việt Nam gây rất nhiều thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Do đó, việc thiết lập một hệ thống nghiệp vụ lập bản đồ phân vùng cảnh báo rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển KT - XH. Mặt khác xây dựng công nghệ cảnh báo rủi ro do lốc, sét với độ chính xác cao và kịp thời sẽ giúp cho những nhà quản lý có được hành động thích hợp để bảo vệ cư dân tránh khỏi những rủi ro. Thành công của dự án sẽ tạo ra những tác động gián tiếp trong việc nâng cao chất lượng dự báo thời tiết nguy hiểm tại Việt Nam.

Về tác động đối với môi trường, Giám đốc Võ Văn Hòa cho rằng, sản phẩm của dự án thuộc nhóm các giải pháp phi công trình, vì vậy, quá trình thực hiện cơ bản sẽ không tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư.

Kinh nghiệm từ địa phương, cơ sở

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Công tác tuyên truyền, tập huấn phải đi trước

8-9-1-.jpg

Những năm gần đây, tai biến sạt lở đất đá ở Thừa Thiên - Huế diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Sạt lở đất đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp, có độ cao từ 250 - 750m với độ dốc từ 15 - 25% ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thủy, chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.

Gần đây, sau khi tiếp nhận kết quả sản phẩm của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá khu vực miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chuyển giao, UBND tỉnh đã giao Sở TT&TT cập nhật, đăng tải thông tin về kết quả sản phẩm của đề án để các sở ngành, các huyện, thị xã áp dụng, rà soát đối chiếu trong kế hoạch phát triển KT - XH tại địa phương một cách phù hợp; đồng thời, tiến hành số hóa dữ liệu sản phẩm, cập nhật thông tin của sản phẩm vào cơ sở dữ liệu GISHue. UBND tỉnh cũng có văn bản đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục cho nghiên cứu khoanh vùng sạt lở rõ ràng hơn, chi tiết hơn và bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉnh với tỷ lệ cao hơn tỷ lệ 1:50.000 nhằm hỗ trợ địa phương trong việc quản lý cũng như kế hoạch phát triển KT - XH phù hợp.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo ráo riết việc triển khai dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy từ thông tin do Đài KTTV tỉnh cung cấp; các cơ quan chuyên môn có các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân triển khai các phương án ứng phó với lũ quét, sụt lún, sạt lở đất. Trước mùa mưa bão, tỉnh chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về lũ quét, sạt lở đất; yêu cầu các địa phương xây dựng phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất hàng năm đến từng hộ dân.

Ngoài ra, tỉnh đã cho triển khai nhiều công trình kiên cố, xây dựng đê kè chống sạt lở từ miền núi xuống đến đồng bằng, vùng biển; giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức nghiên cứu những vẫn đề liên quan sạt lở để có những giải pháp giảm thiểu tác hại do sạt lở đất đá gây ra.

Ông Hà Văn Tiên - Giám đốc Đài KTTV tỉnh Lạng Sơn:

Tiếp nhận nhanh, dự báo, cảnh báo sớm để kịp thời ứng phó

8-9-4-.jpg

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thường xuất hiện các loại hình thiên tai như: rét đậm, rét hại, băng giá, mưa lớn, có thời điểm xảy ra hiện tượng mưa đá (đầu năm 2020)… gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, việc chủ động ứng phó với thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan được xác định là hết sức cần thiết.

Để làm tốt công tác cảnh báo, dự báo, Đài KTTV tỉnh Lạng Sơn đã nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của các Quyết định đối với công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển KT - XH của Trung ương, của tỉnh về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai. Trong đó, để giảm thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, Đài đã chú trọng công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức phân ca, trực ca đảm bảo duy trì công tác trực, nắm bắt tình hình thời tiết.

Hằng ngày, chúng tôi đều thu thập thông tin, xây dựng các bản tin cảnh báo thời tiết, trong đó có mưa đá thông qua việc phân tích các sản phẩm dự báo như các loại bản đồ, các mô hình trị, ảnh mây vệ tinh, ảnh từ trạm radar, xu thế thời tiết,… Từ nhận định dự báo của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia và các phân tích của Đài KTTV khu vực Đông Bắc, đơn vị đã chủ động dự báo, cảnh báo để người dân ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đưa ra các bản tin dự báo cho 10 ngày, xu thế hằng tháng, nhận định xu thế thủy văn mùa, vụ…

Để phục vụ công tác dự báo, việc quản lý đối với các trạm KTTV thuộc hệ thống trạm KTTV quốc gia trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì thực hiện tốt, đảm bảo việc quan trắc đo đạc các yếu tố thời tiết, thủy văn liên tục, chính xác và tin cậy phục vụ tốt công tác dự báo, phục vụ, phòng chống thiên tai nói chung và cảnh báo mưa đá nói riêng.

Ông Nguyễn Minh Giám - nguyên Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ:

Bản đồ cảnh báo thiên tai cần chi tiết hóa đến tận cấp xã

8-9-5-.jpg

Những năm gần đây, do tác động của BĐKH, thời tiết khu vực Nam Bộ diễn biến cực đoan, khó lường, đòi hỏi nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó, loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra ở Nam Bộ nhiều nhất cần được chú trọng gồm mưa lớn, lốc sét, mưa đá...

Công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai là công cụ đắc lực cung cấp thông tin cần thiết một cách kịp thời, đầy đủ cả dữ liệu không gian (vị trí địa lý và mối quan hệ không gian giữa các đối tượng thể hiện trên bản đồ và các dữ liệu thuộc tính), ngoài ra việc tích hợp các lớp bản đồ cho phép đánh giá các ảnh hưởng lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định nhanh chóng để kiểm soát mạng lưới dự báo, cảnh báo thiên tai.

Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, lốc sét, mưa đá... sẽ nâng cao hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giám sát BĐKH, từ đó góp phần triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai, KTTV, đê điều và tài nguyên nước trên địa bàn khu vực Nam Bộ.

Với tầm quan trọng trên, Đài KTTV khu vực Nam Bộ sẽ khai thác và tích hợp với hệ thống dự báo của Đài như radar thời tiết, các trạm quan trắc thời tiết, mưa... các công cụ dự báo có sử dụng AI sẽ đáp ứng tốt việc dự báo phục vụ phòng chống thiên tai.

Dự án phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối cần chi tiết hóa đến tận cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, cần tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng cho người dùng các bước thực hiện, quản lý hệ thống, chuyển giao công cụ và công nghệ của dự án để phát huy cao nhất hiệu quả ứng dụng, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn khu vực Nam Bộ đạt hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề quan trọng đạt mục tiêu dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO