Xã hội

Tích cực xây dựng "Trường học không khói thuốc"

Thuỵ Khanh 21/09/2023 - 14:18

(TN&MT) - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành quyết định số 3459/QĐ-TĐHHN ngày 12/9/2023 về Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2023 – 2024 nhằm thực hiện xây dựng môi trường làm việc trong lành, văn minh theo hướng “Trường học không khói thuốc”.

Theo đó, Trường đã tăng cường quán triệt, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), giao Trưởng các đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác PCTHTL; Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL của Trường và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đồng thời, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; niêm yết quy định/nội quy treo tại phòng làm việc; Đưa nội dung không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào trong tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Lấy kết quả thực hiện công tác PCTHTL là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các đơn vị.

img_4067.jpg
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết về việc thực hiện Kế hoạch PCTHTL tại Trường

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hàng năm, công tác tuyên truyền phổ biến về tác hại của thuốc lá được Nhà trường đặc biệt quan tâm và đã phổ biến hiệu quả qua các hoạt động cụ thể. Trong đó, Nhà trường cập nhật thường xuyên tài liệu, thông tin về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, pod,...); Tuyên truyền về lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc và các chính sách, pháp luật về PCTHTL.

Bên cạnh đó, Trường cũng thực hiện viết tin, bài phản ánh về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên Website, trang Fanpage của Trường cùng các đơn vị trực thuộc Trường, liên quan đến nội dung về thực thi Luật PCTHTL và tiêu chí xây dựng nơi làm việc, trường học không khói thuốc, lợi ích của môi trường không khói thuốc.

Qua đó, để tích cực đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch PCTHTL, Trường còn lắp đặt các sản phẩm truyền thông về PCTHTL như biển "cấm hút thuốc", treo banner, backdrop phòng chống thuốc lá tại sân trường; Lồng ghép phổ biến các nội dung cơ bản về PCTHTL thông qua giảng dạy các môn học và các hoạt động ngoại khóa cho người học.

Ông Hưởng cho rằng việc quan trọng nhất trong việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch là sự phối hợp với Đoàn thanh niên trường, công đoàn trường Xây dựng, triển khai phổ biến các mô hình, hoạt động về “Công sở không khói thuốc”; “Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện lối sống xanh, nói không với thuốc lá”; “Giảng đường không khói thuốc”, cùng việc phát động, tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá tại các liên chi đoàn trực thuộc đoàn trường.

Thể hiện qua việc vào tháng 5 hàng năm, Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp cùng với Bộ TN&MT, Báo TN&MT tổ chức lễ míttinh hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia không khói thuốc”, “Ngày thế giới không thuốc lá” tại trường cùng sự tham gia của hàng trăm cán bộ, sinh viên học viên. Theo đó, ghi nhận kết quả tích cực với 100% cán bộ, nhân viên Nhà trường thực hiện đúng nội quy không hút thuốc tại phòng làm việc.

img_4059.jpg
Em Vũ Quỳnh Hiền Anh – Sinh viên Khoa Môi trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết tác động tích cực từ việc tuyên truyền tác hại của thuốc lá tại Trường

Em Vũ Quỳnh Hiền Anh – Sinh viên Khoa Môi trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hệ lụy của việc hút thuốc lá từ lâu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm ô nhiễm bầu không khí. Sau khi Trường thực hiện hoạt động tuyên truyền PCTHTL, em nhận thấy bản thân cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTHTL và tuyên truyền đến cho người thân và bạn bè của mình.

Trước hết là đối với những sinh viên hút thuốc trong Trường, bản thân các bạn sẽ cần phải tự đặt ra giới hạn trong việc sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử, trong trường hợp nếu chưa cai được hẳn hay vẫn còn sử dụng nhiều thì nên sử dụng ở những nơi có quy định về hút thuốc lá. Sau đó, để việc tuyên truyền trở nên hiệu quả hơn, em cũng khuyến khích và mua tặng người thân, bạn bè những sản phẩm hỗ trợ trong việc cai và phòng chống thuốc lá.

Em Hiền Anh nhận thấy công tác tuyên truyền PCTHTL tại Trường đã có những kết quả tích cực trong việc các bạn sinh viên đã không hút thuốc trong lớp, trong hành lang, tàn thuốc không vứt bừa bãi như lúc chưa thực hiện hành Kế hoạch, thuốc lá điện tử chỉ còn lác đác vài bạn sử dụng và đã có dấu hiệu giảm dần.

Theo em Nguyễn Trung Sơn – Sinh viên Khoa Kinh tế Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc hút thuốc và sử dụng thuốc lá đã ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ khi tiếp cận với các loại thuốc lá hiện đại có chứa nhiều hoá chất trong tinh dầu (thứ chứa nicotine để cho vào các loại thuốc lá điện tử).

img_4050.jpg
Em Nguyễn Trung Sơn – Sinh viên Khoa Kinh tế Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến kinh tế

Hơn hết, việc hút thuốc không những ảnh hưởng sức khỏe mà còn tiêu tốn nhiều tiền. Theo em tìm hiểu, một tháng có thể tốn khoảng 300 – 400.000đ cho một lọ tinh dầu, tính cả việc thay đầu lọc của thuốc lá điện tử hoặc nếu sử dụng thuốc lá thông thường, ví dụ một bao thuốc giá 25.000đ, một người hút một ngày hết hơn một bao, tiền thuốc hàng tháng có thể tính gần 1.000.000đ. Số tiền này mới chỉ tính trung bình một tháng một người, nếu còn nhân lên con số hàng chục, hàng trăm nghìn người đang sử dụng thuốc lá tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung thì sẽ là một số tiền khổng lồ.

Như vậy, tác hại của thuốc lá không chỉ xoay quay vấn đề về sức khỏe, môi trường mà còn liên quan đến kinh tế, khi số tiền tiêu tốn cho “thú vui” độc hại này có thể dùng vào những việc khác hữu ích hơn như giúp đỡ các em nhỏ, những người dân đang sống khó khăn, thiếu thốn ở nơi vùng sâu vùng xa,…

Do đó, em Trung Sơn cho rằng, công tác PCTHTL được phổ biến rộng rãi đến cho mọi người nói chung và trong Trường nói riêng là việc hết sức cần thiết. Qua việc áp dụng các quy định trong Luật Phòng chống thuốc lá, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè hạn chế sử dụng thuốc lá, chỉ hút thuốc ở những nơi quy định dành riêng cho người hút thuốc, không mua bán, vận chuyển trái phép thuốc lá, làm sao để số người sử dụng thuốc lá ngày càng được giảm thiểu tối đa...

Có thể thấy, việc tuyên truyền và truyền thông về tác hại của thuốc lá tại Trường đã đạt được hiệu quả nhất định. Qua đó, Trường cần tiếp tục duy trì nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá ở mỗi học sinh, sinh viên và người lao động để góp phần bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng về bệnh tật và kinh tế cho mỗi cá nhân trong toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực xây dựng "Trường học không khói thuốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO