Tích cực trong công tác phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Tùng Minh| 08/07/2020 19:17

(TN&MT) - Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái như đất, nước, cảnh quan thiên nhiên... tại khu vực khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường ban đầu đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp sau khi hết hạn khai thác mỏ khoáng sản.

Tại mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường ở núi Thiều, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn của Công ty CP Đầu tư Xây dựng & Thương mại Minh Hương (Công ty Minh Hương). Sau khi hết thời hạn khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ. Nếu thực hiện xong công việc trong đề án, đơn vị phải có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác cải tạo, phục hồi môi trường khu vực mỏ để phối hợp tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.

Máy ủi san gạt vào các hố lõm để tạo mặt bằng khu vực khai thác khoáng sản

Ngay sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh về việc Công ty Minh Hương chậm trễ trong việc cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ đá, thì cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Công ty Minh Hương thực hiện theo Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đá vôi tại núi Thiều, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn.

Vào những ngày đầu tháng 7, PV Báo Tài nguyên & Môi trường có mặt tại mỏ đá của Công ty Minh Hương: Lúc này mọi hoạt động nghiền sàng đá VLXD đã dừng hoạt động, thay vào đó đơn vị đang thực hiện cạy gỡ các moong đá còn tồn tại và tạo độ dốc để đưa mỏ về trạng thái an toàn; về khối lượng đá hỗn hợp còn tồn đọng tại khu vực khai trường đang được máy xúc, máy ủi san gạt vào các hố lõm để tạo mặt bằng khu vực núi Thiều; một số vị trí gây bụi, đơn vị bố trí công nhân phun tưới nước để giảm ảnh hưởng đến các hộ dân; khu vực cách điểm mỏ chừng 50m, đơn vị đã cho trồng hệ thống cây xanh có tuổi đời từ 2-3 năm và cử công nhân chăm sóc để đảm bảo sự sinh trưởng.

Trồng cây xanh bảo vệ môi trường theo đề án

Ông Lê Ngọc Hải, quản lý mỏ đá của Công ty Minh Hương cho biết: Sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh và Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, Công ty đã tập trung nhân lực để thu dọn đá thừa, cải tạo lại mặt bằng và san gạt khu vực khai trường. Bên cạnh đó, đá VLXD đã xay nghiền trước đó đang được bán cho một số đơn vị, quá trình xe tải chạy qua khu vực dân cư, chúng tôi đã bố trí công nhân phun tưới nước để giảm bụi. Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả các công việc hoàn thổ, phục hồi môi trường mà UBND tỉnh yêu cầu trong đề án.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chúng tôi đã có công văn đề nghị Công ty Minh Hương khẩn trương thu dọn đá thừa, cải tạo san gạt mặt bằng, phục hồi môi trường tại mỏ đá ở núi Thiều, xã Đông Văn và báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực trong công tác phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO