Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Năm, 29/5/2025 6:31 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/09/2013 , 00:00 (GMT+7)

Tỉ phú nhà gỗ trắc

Thứ Tư 04/09/2013 , 00:00 (GMT+7)

(TN&MT) - Cột nhà, trụ tiêu, cọc rào… bằng gỗ trắc (nhóm IIA) được thương lái khắp nơi đến Đắk Lắk tìm mua với giá ngất ngưỡng.

(TN&MT) - Cột nhà, trụ tiêu, cọc rào… bằng gỗ trắc (nhóm IIA) được thương lái khắp nơi đến Đắk Lắk tìm mua với giá ngất ngưỡng. Vì thế, hàng chục hộ dân ở huyện Krông Năng, Ma Đrắk đua nhau gỡ bán gỗ trắc lấy tiền và bỗng nhiên họ trở thành tỉ phú.
   
Bán gỗ trắc theo kí
   
  Trước năm 1990, nhiều người dân phía Bắc di cư vào xã Ea Tam và Ea Púk (huyện Krông Năng) sinh sống. Khi đến đây lập nghiệp, họ đã vào rừng chặt gỗ trắc về làm cột nhà, xà nhà, cọc rào… Thời gian qua, thương lái khắp nơi đến tìm đây mua gỗ trắc theo kí với giá cao ngất ngưỡng. Vì thế, người dân đã không ngần ngại dỡ cột nhà, cộc rào, trụ tiêu… bằng gỗ trắc đem bán. Trong vai thương lái, chúng tôi đến xã Ea Tam để tìm hiểu việc mua bán gỗ trắc.
   
Nhà anh Triệu Văn Đại đang rất khó bán cột nhà gỗ trắc vì đã có lệnh cấm
     
   
  Nhờ một cò mua gỗ trắc trong xã dẫn đường, chúng tôi tìm đến nhà anh Triệu Văn Đại (ở thôn Tam Hiệp). Ngôi nhà mái ngói này được làm toàn bằng gỗ theo kiểu nhà sàn phía Bắc. Anh Đại đi vắng, chỉ có vợ và mẹ anh ở nhà tiếp khách mua bán. Bà Lương Thị Khoằn (mẹ anh Đại) cho biết, ngôi nhà được làm vào năm 1988, gỗ lấy từ rừng Ea Tam và có 30 cột nhà, 2 xà nhà làm bằng gỗ trắc. Những ván gỗ còn lại của ngôi nhà này cũng là gỗ tốt, nhưng không thuộc nhóm quý hiếm. Sau mấy phút dò xem các vị khách lạ, vợ anh Đại bảo: “Trước đây có mấy người dẫn thương lái Trung Quốc đến xem nhà, họ trả giá tới 1,5 tỉ nhưng sau đó không làm được thủ tục nên họ không mua nữa. Bây giờ các anh mua, gia đình bán 1,4 tỉ nhưng các anh phải tự lo thủ tục”. Khi chúng tôi ra về, vợ anh Đại còn bảo nếu muốn mua phải đặt cọc trước chứ không gia đình sẽ bán cho người khác.
   
  Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến nhà ông Đinh Thiện Tú (ở thôn Tam Lập). Ông Tú cũng vừa mới bán mấy cột nhà, xà nhà cho thương lái cách đây một tháng thu được hơn cả tỉ đồng. Nhưng rủi thay, gia đình ông cũng vừa mới bị mất một cột nhà bằng gỗ trắc với trị giá khoảng 60 triệu đồng. Biết gia đình có cây cột gỗ trắc để ngoài hiên, bọn trộm đã hạ sát hai con chó canh giữ ngay từ lúc tờ mờ sáng và mang chiếc cột đi mất. Vì thế, khi chúng tôi bảo muốn mua cột nhà gỗ trắc, ông liền khước từ bảo không có. Sau mấy phút thuyết phục, cuối cùng ông Tú cũng cho chúng tôi vào xem mấy cái cột nhà của ông. Ngôi nhà này cũng làm theo kiểu nhà anh Đại, có hơn 20 cây cột gỗ trắc. So với nhà anh Đại, cột nhà ông Tú thấp hơn nhưng được bào nhẵn bóng hơn, màu gỗ cũng đen hơn. Khi biết nhà anh Đại bán 1,4 tỉ, ông Tú Liền bảo: “Nhà thằng Đại bán mấy cái cột tắc như thế là rẻ đấy, chứ các anh muốn mua nhà tôi phải cân lên mới bán. Các anh muốn mua mấy cứ cột cũng được, nhưng cứ cấn lên giá 600 nghìn đồng/kg. Mấy cái cột nhà trước tôi cũng bán như vậy cho mấy thương lái từ ngoài Bắc vào mua đấy. Muốn mua, các anh cứ đặt cọc rồi tự đi làm thủ với xã, với huyện”.
   
  Anh N.V.N (cò dẫn đường mua gỗ) cho biết, hầu hết những thương lái đến mua trước đây cũng phải mua mấy cái cột nhà gỗ trắc theo kí như thế. Cũng có nhiều người trong xã làm cò như anh, nếu ai có tiền đặt cọc sẽ đến thoả với thuận chủ nhà mua trước và sau đó bán lại cho thương lái từ nơi khác đến. Còn anh N., vì không có tiền đặt cọc nên mỗi vụ mua bán thành công thương lái và chủ nhà trả “hoa hồng” khoảng 10 triệu. Ông Nguyễn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết: “Tôi cũng có nghe tin đồn người dân bán cột nhà, cộc rào, trụ tiêu… bằng gỗ trắc cho thương lái với giá 600 nghìn đồng/kg (loại đường kính dưới 20cm) và 1,5 triệu đồng/kg (đường kính trên 20cm). Còn chuyện có thương lái Trung Quốc đến mua gỗ trắc hay không, chúng tôi đang cho công an điều tra, xác minh làm rõ”.
   
Gỗ trắc của người dân xã Ea Tam được thương lái mua lái mua theo kí
    
    
Tan giấc mơ tỉ phú?   
 
  Đi từ đầu cho đến cuối xã Ea Tam, đâu đâu chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện bán gỗ trắc lên tới tiền tỉ. Trong đó, cột nhà ông Đ.T.S (ở thôn Tam Lập) được bán với giá cao nhất hơn 1,2 tỉ đồng và cột nhà ông L.M.L (ở thôn Tam Điền) bán giá thấp nhất 280 triệu đồng. Cột nhà gỗ trắc 28 hộ còn lại trong xã được bán với giá từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng. Nhiều nông dân “đầu tắt, mặt tối” bỗng dưng thành tỉ phú vì có gỗ trắc. Họ đang chuẩn bị xây dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn trên nền nhà gỗ đã tháo cột, xà bán cho thương lái.
   
  Ông Vi Quốc Chấn (ở thôn Tam Lập) vừa bán 21 cột nhà gỗ trắc với giá hơn 700 triệu đồng cho thương lái cũng đang tất bật lo vật liệu làm ngôi nhà mới cách đó khoảng 500m. Từ ngày vợ mất, ông một mình cáng đáng việc nuôi 3 đứa con thơ dại. Lo cho chúng đủ ăn mặc đầy đủ đã khó, chứ chưa nói gì đến chuyện xây nhà mới. Bỗng cách đây một tháng, có mấy thương lái từ Vũng Tàu đột nhiên đánh ô tô vào nhà hỏi mua mấy cái cột nhà gỗ trắc. “Thấy họ bảo mua 21 cái cột nhà gỗ trắc 700 triệu đồng, tôi mừng quá bán ngay vì sợ họ đổi ý. Bây giờ nghĩ lại thấy dại, vì nếu cân bán mấy cái cột nhà này như mấy người trong xã, gia đình cũng đã có tiền tỉ rồi”, ông Chấn tiếc nuối. Nhưng dù sao, với số tiền bán gỗ trắc này ông cũng xây được nhà mới cho con trai đầu lòng, lo việc được cho đứa cho trai út là bác sĩ mới ra trường.
   
  So với nhiều người, ông Chấn vẫn còn may mắn chán vì đã bán được cột nhà sớm. Vào cuối tháng 8 vừa qua, UBND huyện Krông Năng đã thông báo tạm dừng cho phép người dân trong huyện mua bán gỗ trắc đã qua sử dụng. Lệnh cấm của huyện đã làm tan giấc mơ thành tỉ phú của nhiều người dân xã Ea Tam và Ea Púk. Theo ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Ea Tam, lệnh cấm này của huyện không đúng vì đây là gỗ trắc đã qua sử dụng lâu năm chứ không phải gỗ mới khai thác từ rừng. Hiện xã có rất nhiều hộ nghèo muốn cột nhà, cọc rào, trụ tiêu… gỗ trắc để làm nhà xây, lấy vốn làm ăn. Vì thế, lệnh cấm của huyện làm dân rất bức xúc. 
   
Ông Vi Quốc Chấn dỡ nhà gỗ trắc bán cho thương lái và chuẩn bị làm nhà mới
    
   
 Cho bán tiếp hay dừng?
   
  Ông Nguyễn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết: Theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, việc bán lâm sản đã qua sử dụng chỉ cần xã và kiểm lâm xác nhận là được. Công văn của số 35/CV-HKL ra ngày 16-8-2013 của Hạt Kiểm lâm huyện đề nghị xã đưa lên huyện, huyện báo cáo tỉnh cho dân bán gỗ trắc đã qua sử dụng là không phù hợp. Huyện đã yêu cầu xem xét lại văn bản này, nếu sai phải thu hồi. Nhưng ông Kỳ lại nói rằng huyện phải tạm dừng việc mua bán gỗ trắc vì sợ ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương và đã có công văn xin ý kiến của UBND tỉnh về việc này. “Chúng tôi thấy việc mua bán có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thu cho ngân sách, tiềm ẩn tiêu cực... nên tạm dừng để báo cáo tỉnh. Đồng thời lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra toàn bộ việc mua bán, vận chuyển gỗ trắc trên địa bàn xã Ea Tam có đúng pháp luật hay không. Mặc dù việc mua bán là quyền của dân, nhưng nếu thấy ảnh hưởng thì huyện vẫn có thể điều chỉnh”, ông Kỳ cho hay. Như vậy, việc dừng hay tiếp tục cho người dân mua bán gỗ trắc đã qua sử dụng đang làm huyện Krông Năng khá lúng túng.
   
  Việc mua bán gỗ trắc của người dân huyện Krông Năng đã diễn ra từ đầu năm đến nay, nhưng ông Nguyễn Kỳ cho biết đến cuối tháng 8 vừa qua UBND huyện mới biết việc này. Theo báo cáo từ Chi cục Thuế huyện Krông Năng, hiện đã có 33 hộ dân ở xã Ea Tam và xã Ea Púk bán hơn 55m3 gỗ trắc đã qua sử dụng, nộp thuế hơn 305 triệu đồng. Nhưng theo thông tin chúng tôi thu thập được, 33 hộ dân đã bán gỗ trắc cho thương lái với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng. Nếu tính thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, huyện Krông Năng sẽ thu được hơn 7 tỉ đồng. Phải chăng, huyện Krông Năng đã thất thu khoảng hơn 6,7 tỉ đồng? Ông Nguyễn Kỳ phân bua: “Khi mua bán gỗ trắc, có thể người dân thường khai báo thấp hơn thực tế để chịu thuế thấp hơn và làm huyện thất thu thuế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không loại trừ nguyên nhân có cán bộ xã, huyện tiếp tay cho việc này để thu lợi bất chính. Tôi cũng đã nhắc đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phải điều tra, làm rõ chuyện này”.
   
  Bài & ảnh: Thanh Tâm
   
   
  

Xem thêm

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất