Thủy điện nhỏ - mối lo lớn: Phớt lờ quy định dòng chảy tối thiểu

18/05/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều thủy điện đã chặn dòng, tích nước khiến người dân ra gần chân đập bắt đánh bắt thủy sản có thể dẫn tới các hệ lụy khôn lường.

Phớt lờ quy định dòng chảy tối thiểu

Có mặt tại cầu Lý Bôn (xã Lý Bôn, Bảo Lâm, Cao Bằng) trưa ngày 24/4/2017, chúng tôi đã chứng kiến đập thủy điện Bảo Lâm 1 của Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm của Công ty Cổ phần xây lắp điện I đang tích nước mà không hề xả tối thiểu để đảm bảo dòng chảy theo quy định. Hàng trăm người dân từ người già đến trẻ nhỏ đổ xô xuống lòng sông Gâm đánh bắt thủy sản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Long, Quản đốc Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1 cho biết, vụ việc diễn ra vào ngày 24/4 trên chỉ là do sự cố của Thủy điện nên phải đóng đập để xử lý. Ông Long khẳng định, Công ty vẫn chấp hành đầy đủ theo Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt được Bộ TN&MT cấp số 867 ngày 21/4/2017 là đảm bảo duy trì dòng chảy liên tục qua đập chính về hạ lưu sông Gâm với lưu lượng không nhỏ hơn 19,3m3 khi nhà máy ngừng phát.

Tuy vậy, một số người dân tham gia đánh bắt cá tại khu vực chân đập thủy điện Bảo Lâm 1 cho biết, việc tích nước của thủy điện là thường xuyên gần như ngày nào cũng có. Anh Vàng A Chơ (36 tuổi), một trong những người tham gia đánh bắt cá ở đây cho biết, ngày nào thủy điện cũng đóng đập từ 12 giờ trưa tới 2 - 3 giờ chiều, tới khi xả nước có còi báo hú báo hiệu trước 30 phút và cán bộ thủy điện ra nhắc nhở.

Cũng theo anh Chơ, từ khi thủy điện đi vào hoạt động, anh và nhiều người dân địa phương đã tranh thủ thời gian xuống đánh bắt cả khi dòng nước dừng chảy, hoặc chảy chậm. Mỗi ngày, anh thu nhập từ 100 – 200 nghìn.

Cũng tương tự Thủy điện Bảo Lâm 1, sáng 26/4/2017, chúng tôi đã có mặt tại Thủy điện Sông Miện 5A (Vị Xuyên, Hà Giang) cũng chứng kiến việc tích nước không duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Thủy điện Sông Miện 5A cũng của chủ đầu tư Sông Miện 5 hiện chưa hoàn thành Giấy phép khai thác nước, mặc dù, đã đi vào hoạt động khoảng 3 năm nay mà vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), tại Nghị định 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ và khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, dòng chảy tối thiểu (còn gọi là dòng chảy môi trường) là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông; bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên được xác định trong quy hoạch lưu vực sông.

Rõ ràng, do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành ở Cao Bằng và Hà Giang và việc nhận thức chưa đầy đủ trong việc xác định dòng chảy tối thiểu, nên hoạt động khai thác nước đang diễn ra quá mức cần thiết. Hệ lụy là các dòng sông thường xuyên bị cạn nước không đảm bảo duy trì dòng chảy liên tục. Vận tốc và lưu lượng dòng chảy nhỏ làm giảm khả năng tự làm sạch của dòng sông, ảnh hưởng tới mưu sinh của nhiều người dân khu vực hạ lưu.

Sẽ xử lý nghiêm

Trao đổi với chúng tôi ngày 27/4/2017, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thừa nhận, có việc một số thủy điện tích nước không đảm bảo dòng chảy để tăng lợi ích khi sản xuất điện. “Lỗi này là do phía doanh nghiệp. Địa phương quản lý quy trình vận hành của các Nhà máy rất khó vì không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể tổ chức kiểm tra; mặt khác, các thủy điện thường ở các khu vực xa, hẻo lánh cũng khó cho công tác này”.

Ông Sơn đề nghị, các Sở ngành vào cuộc thanh kiểm tra việc không chấp hành đảm bảo dòng chảy tối thiểu cũng như việc chưa có Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt của Thủy điện Sông Miện 5A. “Quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang nếu chủ đầu tư nào không chấp hành theo các quy định của pháp luật về môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định” - ông Sơn nói.

Theo đó, tất cả các dự án thủy điện trước khi phê duyệt trong bước thiết kế, đánh giá tác động môi trường đều được tính toán dòng chảy tối thiểu trong giấy phép khai thác nước mặt, Bộ TN&MT sẽ cấp với dự án lớn hơn 2MW, UBND cấp tỉnh cấp 2 MW.

Ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết, hàng năm, nhất là các tháng mùa khô, Sở đều có văn bản yêu cầu các Nhà máy và địa phương cấp xã, huyện trên địa bàn kiểm tra việc chấp hành quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trong đó, có việc duy trì dòng chảy tối thiểu. Đồng thời, sẽ lập biên bản xử lý ngay các trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật...

Bài & ảnh: Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện nhỏ - mối lo lớn: Phớt lờ quy định dòng chảy tối thiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO