Thủy điện EVN: Giải cơn khát miền khô hạn

11/05/2015 00:00

Từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Trung – Tây Nguyên giảm một nửa so với cùng kỳ nên tất cả các hồ đều thiếu nước. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do mưa ít, thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài trên diện rộng. Hiện tất cả các hồ thủy điện của EVN tiếp tục xả nước cứu hạn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ du.

Ra khỏi thị trường để cứu hạn

Tại Quảng Nam, mực nước hồ thủy điện A Vương vào đầu năm 2015 chỉ đạt 370,3m, thiếu hụt gần 10m so với mực nước dâng bình thường và cùng kỳ năm 2014. Hồ thủy điện sông Bung 4, mực nước ở cao độ +217,38m tương ứng dung tích hữu ích 157 triệu m3 đạt khoảng 67,1% dung tích hữu ích theo thiết kế.

Còn tại Lâm Đồng, mực nước hồ Đại Ninh tính đến 9/4/2015 đạt 867,08m, thấp hơn cùng kỳ năm 2014 gần 5m. Tương tự hồ Đơn Dương, mực nước đến ngày 13/4 đạt 1031,3m, thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 11m. Hồ Hàm Thuận, mực nước đạt 591,8m thấp hơn gần 9m so với mực nước dâng bình thường.

Ông Võ Tăng Lý - Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh - cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn nước nhưng công ty đã liên tục điều tiết nước cho hạ du. Đặc biệt từ ngày 17/3/2015, Thủy điện Đại Ninh đã bị đưa ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu xả nước liên tục của địa phương.

Khi ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh thì giá mua bán điện của nhà máy được tính theo chế độ hợp đồng nên doanh thu sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, các thủy điện của EVN sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du.

Ưu tiên cấp nước vùng hạ du

Nhiều công ty thủy điện của EVN nằm ở đất Lâm Đồng như Đại Ninh, Đơn Dương, Đa Nhim... nhưng vùng hạ du của các hồ thủy điện này lại nằm ở nhiều huyện của tỉnh Bình Thuận như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và một phần của tỉnh Ninh Thuận. Những địa phương thuộc nơi khô hạn nhất cả nước.

Theo ông Trương Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận) - hàng năm các hồ thủy điện của EVN đã làm rất tốt công tác cấp nước với hàng tỷ m3 cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó góp phần tăng vụ, nâng cao năng suất cho nông dân.

Năm 2015, trước tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng khô hạn kéo dài nên nguy cơ thiếu nước rất lớn. Vì vậy, huyện Tánh Linh đã báo cáo với UBND tỉnh làm việc với các hồ thủy điện xây dựng và thống nhất lịch xả nước qua phát điện nhằm cứu hạn cho dân.

Ông Nguyễn Trọng Oánh - Tổng giám đốc công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi - chia sẻ, công ty phải thực hiện 3 nhiệm vụ chính gồm phát điện phục vụ phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; điều tiết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân vùng hạ du và bảo đảm công ty có lợi nhuận. Tuy nhiên thời điểm này công ty ưu tiên cho việc xả nước cứu hạn.

Được biết, theo lịch đã được thống nhất, từ ngày 1/4 -  31/5, lưu lượng xả nước hồ chứa Hàm Thuận - Đa Mi từ 30 - 37 m3/s với thời gian xả ít nhất 12 - 14 giờ/ngày. Tương tự, hồ chứa thủy điện Đơn Dương trên lưu vực sông Cái Phan Rang, hồ chứa Đại Ninh trên lưu vực sông La Ngà - sông Lũy, lịch xả nước cũng được lập theo từng giai đoạn từ ngày 1/4 – 31/5/2015, với lưu lượng từ 8-17 m3/s, thời gian xả tối thiểu 12 giờ/ngày. Từ tháng 6 đến 31/8/2015 sẽ tùy thuộc khả năng nguồn nước sẽ vận hành điều tiết phù hợp với nhu cầu dùng nước. 

Theo báo Công thương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện EVN: Giải cơn khát miền khô hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO