Trong nước

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021

Khương Trung 12/05/2023 - 16:15

(TN&MT - Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

120520230859-z4337825939233_adef35129ac08f8a7aa1501af68924da.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021

Thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt với một nền kinh tế hội nhập sâu, có độ mở cao, tình hình đứt gãy các chuỗi thương mại quốc tế do dịch bệnh gây ra tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tài chính trong nước.

Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Vì vậy, từ cuối quý III năm 2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô cả năm được đánh giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu nội địa tăng 15,9% so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN đạt 82,5%.

120520230801-z4337872021545_cc0663cc630e7bcf5078ceee6334a018.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về thực hiện các chính sách thu NSNN hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, quyết toán chi đầu tư phát triển NSTW giảm 13,5% so với dự toán, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án ODA gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, phê duyệt hồ sơ của một số nhà tài trợ kéo dài, nên không có khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn được giao, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Kiểm toán đề nghị rà soát số liệu quyết toán một số khoản chi

Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, về kiến nghị tài chính: Đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80,08%.

120520230849-z4337909143929_bf620d301712dffd1ef774de1ceeaa12.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

Đối với kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân: Có 57/95 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, Bộ Tài chính rà soát, làm rõ để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xử lý theo quy định đối với một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn: Số liệu chi chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID - 19; Những khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác” chưa được phân tích, thuyết minh chi tiết từng nội dung tương ứng với các mục chi theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 64 Luật NSNN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Rà soát, tổng hợp chính xác số dư ứng trước đến hết Kế hoạch năm 2021 thuộc trách nhiệm của Ngân sách Trung ương phải bố trí trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn thu hồi, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, chậm hoàn thành việc Thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.

Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo Quốc hội phê chuẩn về thu cân đối, chi cân đối NSNN 2.484.491 tỷ đồng, bội chi NSNN.

Đồng thời, giao Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát số liệu quyết toán một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định tại Điều 73 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, gồm: Chi chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID - 19 của một số địa phương đã được HĐND quyết nghị chi chuyển nguồn; Những khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác” chưa được phân tích, thuyết minh chi tiết từng nội dung tương ứng với các mục chi theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 64 Luật NSNN.

Xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm

120520230922-z4338062499225_2dab7b767cb1e49995799226db4c8144.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, hồ sơ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được lập cơ bản đầy đủ theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Qua kết quả giám sát của Ủy ban TCNS và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục…

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương: Rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát bảo đảm việc khoanh nợ, xóa nợ thuế theo đúng quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14; Kiểm toán nhà nước (KTNN) chịu trách nhiệm kiểm toán các thông tin số liệu báo cáo của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 khi thực hiện tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14…

Về một số khoản chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ và KTNN cho phép chuyển nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 82/2023/QH15 của 17 địa phương có nhu cầu chuyển nguồn toàn bộ và một phần (tỉnh Hậu Giang), bao gồm 3 địa phương chưa được HĐND phê chuẩn điều chỉnh quyết toán NSNN. Tuy nhiên, đề nghị không chuyển nguồn dự toán năm 2020 sang năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ; vốn sự nghiệp môi trường được giao tại Quyết định số 1431/QĐ-TTg.

Đối với các khoản chuyển nguồn khác, đề nghị giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát; không quyết toán các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 không đúng quy định trong quyết toán NSNN năm 2022. KTNN chịu trách nhiệm kiểm toán tính hợp lý, chính xác các khoản chi chuyển nguồn này.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội, từ quyết toán NSNN niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi NSNN trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về NSNN trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi và các kết luận, kiến nghị KTNN yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán NSNN.

Nhận định đúng tình hình, khen chê đúng địa chỉ

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá về tình hình thực hiện chính sách tài khóa của nhà nước, số liệu quyết toán thu chi, sự thống nhất của số liệu qua các báo cáo, đồng thời, cho biết quan điểm về các nội dung đang xin ý kiến.

120520230820-z4337839550309_aec3b2863ff033a259c04aed8c4f24ac.jpg
Toàn cảnh phiên họp sáng 12/5

Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về việc khắc phục những bất cập mà Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã chỉ ra, đặc biệt là việc chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước báo cáo lý do điều chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các địa phương, ngoài các địa phương được Quốc hội cho phép chuyển nguồn.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh tinh thần trao đổi của các cơ quan hữu quan; đồng thời lưu ý rút kinh nghiệm trong việc thống nhất số liệu. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của các cơ quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về thời gian quyết toán. Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu.

120520230836-z4337834220303_5a9ffd236860e331994f9f77d492b4aa.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch COVID - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2,58%, tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm tăng, đời sống bộ phận người lao động gặp khó khăn phải thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhưng tổng thể thu ngân sách vượt dự toán 12,7% tỷ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ của Nhà nước, tỷ trọng thường xuyên bằng 62,97%, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, kỷ luật thu chi ngân sách Nhà nước từng bước được thực hiện cải thiện. Nhấn mạnh các kết quả này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần đánh giá đúng tình hình khi đưa ra Quốc hội để đánh giá về một năm ngân sách cần có khen chê đúng mực, phải chỉ rõ địa chỉ và luôn nhận định đúng tình hình.

Tuy nhiên, qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Chỉ rõ một số tồn tại hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết thêm mỗi năm có đặc điểm tình hình riêng nên các báo cáo cần làm rõ, nêu rõ địa chỉ cụ thể, kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề đã nêu như việc sửa đổi các văn bản pháp luật, rõ trách nhiệm người đứng đầu, các vấn đề về chỉ đạo việc thực hiện các kết luận của kiểm toán…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của các cơ quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về thời gian quyết toán. Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch COVID - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2,58%, tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm tăng, đời sống bộ phận người lao động gặp khó khăn phải thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhưng tổng thể thu ngân sách vượt dự toán 12,7% tỷ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ của Nhà nước, tỷ trọng thường xuyên bằng 62,97%, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, kỷ luật thu chi ngân sách Nhà nước từng bước được thực hiện cải thiện.

Nhấn mạnh các kết quả này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần đánh giá đúng tình hình khi đưa ra Quốc hội để đánh giá về một năm ngân sách cần có khen chê đúng mực, phải chỉ rõ địa chỉ và luôn nhận định đúng tình hình.

Tuy nhiên, qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Chỉ rõ một số tồn tại hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO