Thương nhớ vùng cao

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý| 28/10/2021 10:57

(TN&MT) - Chẳng hiểu sao lòng tôi cứ xôn xao nhớ về những nẻo vùng cao mình đã từng đi qua. Quảng Ninh. Lạng Sơn. Cao Bằng. Hà Giang. Yên Bái. Lai Châu. Điện Biên. Sơn La… Những vùng đất yêu dấu của Tổ quốc mà khi rời xa hóa thành tâm hồn ta lúc nào chẳng rõ.

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn! Hai câu thơ tài hoa của Chế Lan Viên tôi dẫn trích từ bài “Tiếng hát con tàu” ông viết trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Thời ấy, tôi là cậu học trò cấp một chỉ biết vùng cao qua mấy bài tập đọc phổ thông. Đâu ngờ, mấy chục năm sau, khi trở thành người lính viết văn, tôi được nhiều lần đến với vùng cao.

Tôi đã từng có mặt trong bốn mùa của vùng cao; biết hoa ban như những vầng mây trắng vương víu trên các triền núi dọc đường lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu..., thấy mộc miên thắm đỏ màu truyền thuyết bi hùng bên nẻo rừng biên giới quanh co ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang..., nao nao đứng lặng trước những bông lau xám rợp bên cột mốc chủ quyền giữa trùng trùng gió bấc ở Lạng Sơn. Vùng cao, tôi làm sao quên được những cánh cung sơn lâm Đông Bắc, những chum vò đựng la đà ngây ngất của rượu ngô nấu bằng men lá đã hóa thành núi đá của Cực Bắc Tổ quốc. Và, có lẽ lịch sử dân tộc đằng đẵng những năm tháng chống giặc ngoại xâm của cha ông và của cả thế hệ chúng ta đã cho tôi hình dung về muôn vàn ngọn núi vùng cao là chông nhọn, mác dài hóa thạch. Một đất nước tươi đẹp, hùng vĩ nhưng phải hứng chịu nhiều cuộc xâm lăng của bên ngoài. Cứ mỗi lần lên Xứ Lạng, trông thấy nàng Vọng phu tôi lại nhớ tới hai câu thơ của Hữu Thỉnh nói về số phận dân tộc và con người Việt Nam: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh...

 

Non sông xuôi từ Bắc về Nam và thoải dần từ Tây sang Đông, cái tình rừng - biển đan quyện bao đời không đứt đoạn, cắt rời. Có lẽ bởi thế mà tôi - một người vốn sinh ra bên chân sóng của biển miền Trung mỗi lần lên vùng cao vẫn cảm thấy không mấy xa lạ. Cái tình người Việt Nam gần gũi quen thuộc xiết bao. Có cái gì đó như sự đồng nhất Bắc - Nam, miền ngược miền xuôi được ươm sẵn trong tâm hồn mỗi con người Việt. Đi đâu, về đâu ta đều có thể gặp những chân chất thương mến, những chở che giúp đỡ không thể quên. Những con người đang bám trụ vùng cao, họ là cô giáo cắm bản, ông trưởng thôn, nàng sơn nữ hay chàng lính Biên phòng thường toát lên những mộc mạc, vững vàng cho ta nhiều tin cậy. Tôi gọi họ là những con người của cột mốc, đường biên, những xác nhận về lòng yêu nước nồng nàn nơi còn nhiều gian khó lắm.

Tôi lên Bạch Đích, rưng rưng trước giọng cười như nứa vỡ của Đồn trưởng và câu nói đùa của anh: “Chúng tôi ở xa ít về nhà cũng có cái hay là lúc nào vợ chồng gặp nhau cũng thấy như đêm tân hôn”. Không chiến tranh, vẫn có những người vợ lính níu giường, níu chiếu đợi chồng. Vùng cao. Tôi cứ sóng sánh mãi với ánh mắt cô gái Tày ở chợ Bản Muồng mùa thu ấy. Cô gái bán rượu nhìn tôi như nhìn một người quen khi trên xe bước xuống. Sao thế nhỉ, rõ ràng là mình chưa gặp em bao giờ, thế mà cái nhìn như đắm đuối ấy cứ vây bọc lấy tôi. Trái tim tôi, thú thật, đã rung lên những tần số lạ khi xa em: Xin đừng sóng sánh làm chi/ bản Muồng ở lại người đi nhớ hoài/ ta xa rồi, núi đợi ai.../ còn mong lên đấy chạm vai áo chàm?/ Tay cầm bát rượu trăm năm/ lắng nghe lửa hát trong đằm dịu em/ muốn làm cái gió hồn nhiên/ bỏ thương vào vạt áo mềm màu cây...

Lại còn chuyện này nữa, buổi ấy, tôi theo một Trung úy Biên phòng trẻ, điển trai đến chơi với dân ở Phó Bảng. Chủ nhà ồ lên khi thấy chúng tôi và sau đó là rượu được mang ra mời khách. Rượu ngô trong vắt được rót vào những chiếc bát ăn cơm. Chưa uống tôi đã choáng và xin từ chối. Chủ nhà cười: “Không được đâu. Con người ta có hai tay hai chân nên gặp nhau phải uống cạn với nhau bốn bát”. Còn nói thêm: “Rượu này lành lắm, bộ đội cứ uống đi, say thì ngủ thôi mà”. Tôi nhìn chàng Trung úy cầu cứu. “Thế này trưởng bản nhé, bác nhà văn đi đường mệt không uống được nhiều đâu. Chỉ cần bác ấy nhấp môi thôi, còn lại tôi sẽ uống thay” - Trung úy nói. Nhờ vậy mà cuộc rượu vẫn vui vẻ, ấm áp. Tôi chỉ nhấp môi mà vẫn cảm nhận được cái mùi rượu ngô đặc trưng của vùng núi phía Bắc, mùi men lá pha trộn mùi khói ê ê.

 

Thấp thoáng trong tôi hình ảnh của những người gieo chữ ở rẻo cao cheo leo. Gieo chữ nhọc nhằn hơn gieo hạt ngô, hạt lúa giống vào các hốc đá nằm lưng chừng trời. Thương lắm các cô giáo cắm bản vượt qua muôn nhọc nhằn, thiếu thốn, kể cả nỗi trống trải giữa trập trùng núi núi. Con gái có thì, bao giờ mới được về xuôi, khi nào mới ở nơi đông đúc để có cơ hội tìm bạn trăm năm. Nhiều tâm sự ngổn ngang không muốn kể ra, chỉ dằn lòng chấp nhận để bám trường bám lớp, lội suối trèo non đi tìm trò dạy chữ. Ngổn ngang trong tôi nhiều thương cảm khi tận mắt trông thấy mấy lớp học gió lọt qua vách thưng không kín, ù ù gió bấc. Có cháu đến trường áo chưa đủ ấm, đi chân đất, môi tím tái. Ước chi có thêm những ngôi trường ấm áp, và các cháu có đủ áo ấm, cơm có thịt cho mỗi bữa ăn.

Vùng cao, bên cạnh nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, trữ tình của núi sông, ruộng nương còn có những khoảng buồn làm cho ta day dứt. Buồn, nhưng không phải để ca thán, ấm ức, trách móc gần xa mà ta cần đến với vùng cao bằng các công việc thiết thực như những người lính quân hàm màu lá cây tôi đã từng gặp. Tôi nghĩ rằng, không ai gần dân bằng các chiến sĩ Biên phòng. Và, cũng xin nói ngay rằng chẳng ai yêu mến và tin cậy Bộ đội Biên phòng bằng đồng bào vùng cao. Người lính Biên phòng nói với tôi rằng, muốn tuyên truyền, vận động người dân vùng cao có hiệu quả, chúng ta phải phát sóng ngắn. Nghĩa là, phải gần, rất gần dân để nói cho đồng bào nghe, để làm cho đồng bào thấy từ việc trồng cây gì, nuôi con gì, đến việc giữ vệ sinh thôn bản, nhà cửa sạch sẽ, thực hiện nếp sống mới, khám chữa bệnh, học hành... và cả phân xử xích mích của họ. Tôi không quên được hình ảnh những thầy giáo mang quân hàm màu lá cây dạy các cháu học chữ ở các vùng bản nghèo heo hút. Thương các cháu ở xa điểm trường hay vì lý do gì đó không biết chữ, những thầy giáo mang quân phục dẫu chưa qua một khóa sư phạm nào vẫn say sưa đứng lớp mỗi ngày. Thơ tôi, Từ đó nhớ xa một miền thưa vắng/ phiên chợ giật lùi vó ngựa gõ mây/ tiếng trẻ Mông đọc bài đầu bản/ tuổi binh nhất ngượng ngập làm thầy... Con chữ như mầm sáng cuộc đời được gieo lên vùng cao đôi khi lại bắt đầu bằng những lớp học đơn sơ như thế. Những mầm sáng ấy, tôi tin, sẽ theo các em suốt cuộc đời. Khi đọc một cuốn sách hay, khi viết lá thư tình hoặc đẹp hơn khi bước vào giảng đường đại học các em chắc không quên thầy giáo bộ đội. Cuộc sống đẹp hơn bởi những công việc bình dị nhưng nhân văn như vậy.

Đêm trở gió. Lại sắp tới mùa đông. Tin từ Trung tâm Dự báo thời tiết năm nay mùa đông sẽ đến sớm và lạnh hơn. Vùng cao ơi, tôi thương nhớ bốn mùa nhưng chẳng hiểu can cớ gì tôi vẫn nhớ thương vùng cao hơn vào mùa đông lạnh giá. Hẹn với em, với vùng cao ngày trở lại như luân khúc trữ tình còn vang vọng mãi với tôi:

Đầu nguồn

hoa và sông vẫn đỏ

giục bao người nhớ sóng sánh tìm lên

khúc hát đá lưu truyền muôn thuở

nghe vọng về từ bếp lửa vùng biên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương nhớ vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO