Thực thi công ước chống tra tấn cần đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc và yêu cầu quốc tế

20/02/2017 00:00

(TN&MT) - Hội thảo lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người, do Bộ Công an phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Hà Nội tổ chức sáng nay 20/2/2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an chủ trì và trên 80 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, và các sở, ban, ngành của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum; đại diện một số tổ chức phi chính phủ.

 Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984, gồm 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 26/6/1987. Hiện có 161 quốc gia ký và phê chuẩn và 9 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn công ước.

Ngày 7/11/2013 Việt Nam đã tham gia ký Công ước và tại kỳ họp thứ 8, ngày 28/11/2014, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước, chính thức trở thành thành viên thứ 158 của Công ước.

 Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo.

Theo nội dung của Công ước, mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực, lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá về việc tham gia Công ước và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến quyền bảo vệ con người, đặc biệt là các quy định của hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự…vv; tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế về quyền con người, góp phần nâng cao uy tín và vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Dự thảo báo cáo quốc gia về thực thi công ước đã đánh giá được những nỗ lực của Việt Nam sau 1 năm thực hiện Công ước. (tính từ ngày có hiệu lực tại Việt Nam 7/3/2015).

Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng dự thảo cần thống nhất mốc thời gian thống kê số liệu đưa vào báo cáo và bổ sung những số liệu thống kê chi tiết, phân theo nhóm vấn đề để đánh giá, phân tích. Bên cạnh đó, có thể mô tả số liệu bằng các biểu đồ để tiện theo dõi. Cần nhấn mạnh thêm về các giá trị nhân văn yếu tố đạo đức, đạo lý truyền thống của người Việt Nam tác động đến việc thực hiện các hành vi ứng xử và xây dựng pháp luật và thực thi đạo đức công vụ.

Làm rõ hơn việc giám sát của Quốc hội và bổ sung vai trò của báo chí, các tổ chức xã hội trong việc thực thi Công ước tại Việt Nam vừa phải đảm bảo lợi ích, yêu cầu cơ bản của quốc gia, vừa phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn về nội dung và hình thức theo yêu cầu của Ủy ban chống tra tấn …vv.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu làm cơ sở để Bộ Công an hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ phê duyệt và nộp lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc trong quý 1 năm 2017./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi công ước chống tra tấn cần đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc và yêu cầu quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO