Thực hiện quy định thời gian khai thác cát ở Bình Định: Nơi tốt, nơi không

Mỹ Bình | 24/09/2021 05:28

(TN&MT) - Từ năm 2020, tỉnh Bình Định ra thông báo về thời gian thực hiện khai thác cát trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1 đến ngày 15/9 hàng năm để đảm bảo vượt lũ. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện quy định này, tuy nhiên có nơi làm tốt nơi không.

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định quy định về thời gian hoạt động khai thác cát trong năm trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định có Công văn số 2151, ngày 25/8/2021 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo hoạt động khai thác cát được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 15/9 hàng năm; hết thời gian này, các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện việc tạm ngừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định. Khoảng thời gian từ ngày 16/9 đến ngày 30/9 phải hoàn thành việc thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông để chuẩn bị cho mùa mưa lũ, nghiêm cấm lợi dụng để khai thác và vận chuyển cát trái phép.

Từ văn bản này của Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát phải dừng khai thác sau ngày 15/9/2021 và tiến hành thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông để chuẩn bị cho mùa mưa lũ.

7 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hà Thanh của huyện Vân Canh

Phóng viên Báo TN&MT đã về hai địa phương là huyện Vân Canh và Tây Sơn để ghi nhận việc thực hiện quy định về thời gian khai thác cát của các doanh nghiệp, bởi đây là hai địa phương có nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát nằm trải dài trên hai con sông lớn của Bình Định là sông Hà Thanh và sông Kôn.

Hiện trên địa bàn huyện Vân Canh có 7 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát trên sông Hà Thanh qua địa phận hai xã Canh Vinh, Canh Hiển. UBND huyện Vân Canh lên Kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác cát năm 2021 và yêu cầu các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động khai thác để thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ đảm bảo vượt lũ.

Sông Hà Thanh bình yên sau khi các doanh nghiệp di dời máy móc tạm ngừng khai thác cát để đảm bảo vượt lũ

Đánh giá về công tác kiểm tra hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp thực hiện quy định về thời gian hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Phan Văn Cường cho biết: UBND huyện yêu cầu 7 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động khai thác cát sau ngày 15/9/2021. Qua kiểm tra đánh giá sơ bộ, 7 doanh nghiệp đều tuân thủ nghiêm thời gian quy định khai thác, di dời máy móc thiết bị khai thác ra khỏi khu vực mỏ, hiện trạng các khu vực mỏ khai thác chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đến môi trường. Sau ngày 15/9/2021, không có doanh nghiệp nào còn hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Lê Công Bình – Trưởng Phòng TN&MT huyện Vân Canh nói: Phòng cũng đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo xã Canh Vinh và Canh Hiển tiếp tục kiểm tra giám sát không để các doanh nghiệp vận chuyển cát ra khỏi mỏ từ ngày 16/9/2021 đến khi được cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thành việc thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông từ ngày 16 đến ngày 30/9.

Đến thời điểm này, sông Hà Thanh đã bình yên sau khi doanh nghiệp di dời máy móc ra khỏi khu vực khai thác để con sông có thời gian nghỉ ngơi trước khi đón những cơn lũ sắp kéo tới.

Sông Kôn vẫn khai thác cát mặc dù đã có lệnh cấm khai thác sau ngày 15/9/2021 hàng năm để vượt lũ chính vụ

Thế nhưng, ngược lại tại huyện Tây Sơn, ngày 23/9/2021 phóng viên có mặt tại bờ sông Kôn ở địa phận khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong chứng kiến tại mỏ cát của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Xây dựng Hiếu Ngọc và Công ty CP Đầu tư Phú Hưng Hà Nội đang khai thác cát, múc cát từ dưới sông đưa lên xe chở cát ra ngoài khu vực mỏ, mặc dù trời đang mưa tầm tả và thời gian đã quá buổi trưa. Thời điểm này, thay vì các doanh nghiệp phải lo tập trung dồn sức thanh thải dòng chảy và dọn đường công vụ thì họ lại cố thủ máy móc xe cộ dưới sông để múc cát.

Hoạt động lấy cát tại mỏ cát của Công ty Hiếu Ngọc vào trưa 23/9/2021

Một người dân có nhà ở tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong bức xúc cho biết: Không ngày nào là họ không múc cát, máy móc xe cộ chạy ầm ầm suốt ngày suốt đêm đến cả trăm chuyến xe. Mấy ngày nay, họ vẫn tiếp tục lấy cát mặc dù mùa mưa bão lũ đã đến mà doanh nghiệp vẫn không ngừng khai thác cát. Cứ thế này, mùa mưa lũ nước lên tới bờ ảnh hưởng đến nhà chúng tôi. Chúng tôi phản ánh nhiều lần việc múc cát trên sông Kôn làm sạt lở bờ sông, người dân lo lắng ngập lụt về mùa mưa và hố cát sâu gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ em khi xuống sông nhưng doanh nghiệp vẫn khai thác cát.

Hoạt động lấy cát của Công ty Phú Hưng vào trưa ngày 23/9/2021

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp dừng khai thác cát trên sông Kôn trước ngày 16/9/2021. Đến ngày 19/9/2021, đơn vị chuyên môn báo cáo tất cả các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện đã ngừng khai thác để chuẩn bị cho mùa mưa lũ. Có một số doanh nghiệp múc cát dồn trên bãi rồi chở cát ra ngoài phục vụ công trình như Công ty CP Đầu tư Phú Hưng Hà Nội, còn múc cát từ dưới sông là không được phép. Qua phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra.

Khu vực khai thác cát của doanh nghiệp Phú Hưng cát chất thành núi khổng lồ, tạo hầm hố, chia cắt, biến dạng dòng sông Kôn, chưa dọn đường công vụ và thanh thải dòng chảy

Huyện Tây Sơn là địa phương có 12 mỏ cát được cấp phép khai thác trên sông Kôn tập trung tại thị trấn Phú Phong và các xã Tây Thuận, Tây Xuân, Bình Nghi, Tây Phú, Tây Bình. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định thời gian khai thác cát hàng năm từ ngày 1/1 đến 15/9 và thiếu sự giám sát chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương thì Tây Sơn không thể đảm bảo vượt lũ an toàn vào mùa mưa và gây ra nhiều hệ hụy khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện quy định thời gian khai thác cát ở Bình Định: Nơi tốt, nơi không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO