Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Giải pháp sử dụng nước hiệu quả, bền vững ở vùng ven biển

Hùng Long| 25/03/2020 20:31

(TN&MT) - Cùng với việc cải tiến hệ thống thủy lợi khôi phục không gian trữ nước ở vùng đầu nguồn ngập lũ phù sa, còn phải khắc phục những bất cập, khôi phục không gian trữ nước ngọt, đồng thời điều nước trên cơ sở tôn trọng quy luật chuyển động của nước tại vùng giao thoa ven biển để chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp hệ sinh thái, phát triển vững.

Hàng triệu ha ruộng vùng đầu nguồn ngập lũ, vùng phù sa giáp mặn, cần trữ nước, giữ ướt chân đất để canh tác hiệu quả

Vùng ven biển cũng phải khôi phục không gian chứa nước

Cùng với lượng nước tăng cường từ phía trên xuống, tại các địa bàn ven biển cũng cần phải khôi phục không gian trữ nước mùa mưa cho mùa kiệt. Nên nhớ, lượng mưa hàng năm ở các địa phương ven biển Tây Nam, như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… trung bình khoảng từ 1.930 - 2.380mm, nhiều hơn phía trên theo hướng Đông Bắc như các tình Long An, Tiền Giang (1.330 - 1.540mm), tập trung 90% vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11 và cũng thường gây ra ngập úng.

Các nghiên cứu cho thấy, vùng ven biển, hàng năm lượng nước mất đi do bốc hơi qua bề mặt khoảng 900 - 1.000mm, còn lại có thê sử dụng được trung bình khoảng từ 400 - 500mm. Các tháng mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau lượng nước bốc hơi nhiều hơn mưa nên thiếu nước ngọt cho cây trồng ở các tiểu vùng sinh thái ven biển. Lượng nước mưa được tích trữ lại sẽ góp phần giải quyết nhu cầu duy trì cân bằng hệ sinh thái ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) phân bổ lượng mưa có sự thay đổi.

Vì lẽ đó, việc khôi phục các khu hệ sinh thái đất ngập nước, tôn tạo, mở rộng không gian chứa nước trong diện tích đất nông nghiệp và điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo hướng giành nhiều không gian cho nước ở vùng ven biển cũng chính là một phần không thể thiếu trong giải pháp điều tiết nước mặt của miền Tây.

Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị vùng ven biển có những yếu tố khác biệt, do đặc điểm tác động của nước biển dâng, triều cường xâm nhập mặn. Theo định hướng của các chuyên gia, đô thị ven biển phát triển phi tập trung, gắn với không gian mở dựa trên khung thiên nhiên rừng ngập mặn, sông nước… và hệ thống hồ điều hòa cần phải được chú trọng.

PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng), khuyến cáo: “Đối với các đô thị ven biển, khi nguồn nước ngọt hạn chế, trong tương lai hồ điều hòa sẽ có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất. Với các đô thị mới, trong cơ cấu sử dụng đất cần ban hành qui chế tỷ lệ xây hồ để phòng trừ quá tải hệ thống thoát nước sau này và ảnh hưởng BĐKH. Ngoài ra, cần phát triển và biến hệ thống sông kênh rạch hiện hữu làm nhiệm vụ hệ thống các hồ điều hòa trong các đô thị”.

Những kênh sông phía trong hệ thống cống đập ngăn mặn cần có nước và thuận lợi lưu thông ra biển

Cần tôn trọng quy luật chuyển động của nước ở vùng giao thoa

Các biện pháp khôi phục không gian tích trữ lượng nước thừa gây ngập lụt trong cao điểm mùa mưa lũ để điều tiết cho mùa kiệt sẽ gia tăng độ ẩm mặt đất cả vùng và duy trì dòng chảy ra biển để cân bằng sinh thái với điều kiện hệ thống công trình thủy lợi phải được cải tiến, vận hành trên nguyên tắc “tôn trọng sự chuyển động của nước một cách chủ động, thân thiện nhất” - như PGS.TS. Trần Thị Lan Anh, đã lưu ý và khẳng định đây là yêu cầu căn cơ nhất để đảm bảo cho miền Tây thích ứng với BĐKH.

Các yếu tố đã và đang can thiệp thô bạo vào “các mối liên kết dòng chảy sông ngòi - phù sa - rừng ngập mặn và động lực biển có những mối tương tác chặt chẽ và không thể tách rời nhau để kiến tạo một hệ sinh thái ven biển độc đáo và trù phú” mà Tiến sỹ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ đã nhấn mạnh khi nói về quá trình hình thành, phát triển hệ sinh thái ven biển miền Tây, cần được nghiên cứu khắc phục, giảm thiểu.

Dòng chảy nguồn nước tích trữ điều tiết về cuối nguồn giao hòa với biển phải được lưu thông, chuyển động theo quy luật ảnh hưởng triều biển Đông với chế độ bán nhật triều không đều, hàng tháng có 2 kỳ nước lớn trùng với chu kỳ tuần trăng, triều cường xuất hiện vào các ngày rằm và ngày cuối tháng âm lịch, để phục hồi phần nước lợ từ bao đời đã tạo nên hệ sinh thái ven biển đặc thù phong phú.

“Biển rất cần nước ngọt của sông vì nước ngọt mang dinh dưỡng ra cho biển, làm cho độ mặn, nhiệt độ nước biển vừa phải. Cá biển rất cần vào ra cửa sông để sinh sản và ngược lại tôm cá sông cần biến. Tôm càng xanh chẳng hạn, là loài nước ngọt, nhưng khi mang trứng thì phải bơi ra vùng nước lợ để đẻ, sau đó tôm con di chuyển ngược dần lên vùng ngọt. Cá kèo thì sinh sản ở vùng cửa sông” - Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, nghiên cứu sinh thái thực tiễn vùng ven biển miền Tây, cho biết.

Bờ biển phía ngoài hệ thống đê đập ở miền Tây cần phục hồi diện tích rừng ngập mặn để che chắn sóng và duy trì đa dạng sinh học đặc thù, phong phú

Cải tiến công trình và vận hành để điều tiết nước cân bằng sinh thái

Theo đó, hệ thống công trình thủy lợi (bao gồm: các dự án Gò Công (38.000ha), Nam Măng Thít (267.000ha), Quản Lộ Phụng Hiệp (350.000ha), Ba Lai (133.875ha) và khoảng 450km đê biển, 1.290km kênh chính và 7.000km kênh cấp 3 - 4 có các hệ thống cống) đã được triển khai xây dựng tại vùng ven biển cần được nghiên cứu cải tiến và tổ chức cơ chế vận hành

Đồng thời, phát huy hiệu quả để điều tiết nguồn nước theo hướng phục hồi hệ sinh thái nước lợ tại vùng giao thoa ven biển để mở ra điều kiện thuận lợi chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp quy luật tự nhiên của hệ sinh thái đặc thù ven biển miền Tây, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho cư dân - theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP đã đề ra.

Lợi thế đặc thù của vùng kinh tế ven biển và cửa sông thông ra biển tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre,, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang là phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ… "Các mô hình nuôi tôm sinh thái, mô hình luân canh lúa tôm, mô hình luân canh lúa cá (nuôi tôm vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa).

Ngoài ra, còn có các mô hình đa dạng sản phẩm như nuôi cua biển, nuôi cá kèo, nuôi các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò huyết, hàu biển...) cũng đã đem đến nhiều lợi ích kinh tế cho người dân” - Qua thực tiễn công tác, nghiên cứu về môi trường sinh thái ở miền Tây, ông Phạm Đình Đôn, nguyên Phó cục trưởng Cục Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) đã ghi nhận đồng thuận với các nghiên cứu khoa học tại miền Tây từ nhiều năm qua.

Khi hệ thống công trình và cơ chế vận hành thủy lợi đáp ứng được yêu cầu điều tiết nguồn nước theo mục tiêu phục hồi hệ sinh thái tại vùng giao thoa ven biển, phục vụ phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với hệ sinh thái thì rừng ngập mặn sẽ có điều kiện thuận lợi phục hồi nhờ môi trường nước lợ và nước ngọt thẩm thấu ra biển nhiều hơn. Áp lực khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ các mô hình sản xuất sẽ giảm thiểu.

Và vấn nạn sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức đang ngày càng trầm trọng mà ông Đỗ Đức Dũng (Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) lo ngại khi các nghiên cứu chỉ rõ tốc độ sụt lún ở ĐBSCL mỗi năm từ 2cm - 4cm, dự báo đến 2050 có khoảng 60% diện tích bán đảo Cà Mau thấp hơn mực nước biển, xem như cũng đã có động thái thuận chiều ngăn chặn.

Mô hình sản xuất vùng ven biển cần chuyển đổi phù hợp với lợi thế đặc thù hệ sinh thái để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu nhu cầu khai thác nước ngầm

Có thể nói, yêu cầu cải tiến hệ thống công trình và cơ chế vận hành thủy lợi đáp ứng điều tiết nguồn nước cân bằng sinh thái, phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất phù hợp quy luật tự nhiên hệ sinh thái chính là giải pháp bền vững giải quyết nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất. “Còn nước sinh hoạt cho cư dân ven biển thì hoàn toàn có thể giải quyết được bằng nước ngầm, nước mưa và các giải pháp công nghệ” - Tiến sỹ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ), khẳng định.

Đây chính là “bước ngoặt chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên nước cho miền Tây phát triển bền vững” cần phải đẩy nhanh tiến trình thực hiện trên cơ sở thực thi chính sách của Chính phủ, đáp ứng đòi hỏi chính đáng đặt ra từ thực tiễn, để chấm dứt các hệ lụy về môi trường và kinh tế miền Tây đã đánh đổi cho mục tiêu tăng vụ thâm canh lúa ngắn ngày ở vùng ven biển nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Giải pháp sử dụng nước hiệu quả, bền vững ở vùng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO