Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Cần khôi phục các “túi nước” ở đầu nguồn

Hùng Long| 11/03/2020 16:22

(TN&MT) - Tình trạng nhiều nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô, phân bố không đều theo cả không gian và thời gian, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường nước… đã đặt ra những thách thức lớn, áp lực nặng nề từ nhiều năm qua nhất là trong đại hạn hiện nay đang thôi thúc việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chiến lược giữ và điều tiết tài nguyên nước phù hợp, hiệu quả cho miền Tây phát triển bền vững.

Đầu nguồn sông Hậu, trong mùa mưa lũ vừa qua lưu lượng nước đổ về suy giảm tới mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% - 50%

Đòi hỏi cấp bách đặt ra từ thực tiễn

Bây giờ là trung tuần tháng 3, miền Tây bước vào đỉnh điểm đại hạn, khốc liệt hơn đại hạn lịch sử 2016. Cư dân từ vùng đầu nguồn phù sa ngập lũ đến các địa phương ven biển và hải đảo đang căng mình chống chịu khó khăn nhiều mặt về môi trường, sinh kế, kinh tế. Từ đỉnh điểm đại hạn này, một lần nữa gióng hồi chuông khẩn thiết về giải pháp chiến lược quản lý, tích trữ, điều tiết, sử dụng tài nguyên nước phù hợp cho miền Tây phát triển bền vững.

Theo đó, yêu cầu phục hồi khả năng tích trữ gần 20 tỉ khối nước ngọt tại đầu nguồn trong mùa mưa lũ để cung ứng cho toàn vùng, đặc biệt là hạ nguồn trong mùa kiệt - mà PGS.Gerado van Halsema (Chuyên gia Hà Lan) cho rằng “đã bị mất do việc xây dựng hệ thống đê bao cải tạo đất trồng lúa 3 vụ tại tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười”, cần phải được thực thi.

Kiến nghị của GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân từ mấy năm qua về việc “xem xét lại việc xây dựng hệ thống đê bao để đáp ứng yêu cầu giữ nước cho Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười” cần được nhắc lại với tinh thần quả quyết hơn. Trước hiện trạng khó khăn, bức xúc của hàng triệu cư dân đang diễn ra, sự chậm trễ chỉ gây thêm thiệt hại (chưa thể thống kê hết) do khủng hoảng về nguồn nước ngọt trên diện rộng tại vùng đất ngập nước lớn nhất quốc gia này mà nguyên nhân chính đã được nhận diện rõ như PGS.TS. Lê Anh Tuấn (một chuyên gia nghiên cứu sâu về tài nguyên nước), đánh giá: “ĐBSCL là một vùng đất ngập nước lớn, nguồn nước nói chung không thiếu, vấn đề là sự phân phối nguồn nước ngọt hiện nay chưa tốt và việc sử dụng nước chưa hợp lý”.

Thực tế không còn lựa chọn khác ngoài giải pháp phục hồi khả năng trữ lũ khi quy luật lũ thay đổi, lưu lượng nước dòng Mekong vào sông Tiền, sông Hậu tiếp tục suy giảm. Ngay trong mùa mưa lũ vừa qua đã xuống tới mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% - 50% (thấp hơn cả thời điểm đầu mùa khô 2016 từ 10cm - 35cm). Hệ thống thủy lợi xây dựng theo yêu cầu “kiểm soát lũ”, “quản lý lũ” để trồng lúa 3 vụ đã bộc lộ bất cập trước yêu cầu đón lũ, tích nước (lũ lớn thì xả, lũ nhỏ thì đóng để giữ nước cho mùa kiệt), tiếp nhận phù sa (tái hồi phục độ phì nhiêu cho đất), điều tiết nguồn nước linh hoạt trong điều kiện thời tiết cực đoan, sự tác động khó lường từ đầu nguồn, đặc biệt xu hướng hạn hán đang hình thành quy luật (4 năm lặp lại) và kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT cập nhật dự báo sẽ ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn.

Không chỉ lúa, nhiều diện tích rẫy trồng cây ngắn ngày tại địa bàn đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang cũng không đủ nước ngọt để tưới trong mùa kiệt

Cần trữ nước, điều tiết cân bằng sinh thái

Hiện trạng trước mặt những tuyến kênh đã trơ đáy, chi phí nước sinh hoạt, chi phí bơm tưới sản xuất gia tăng, nhu cầu cung ứng nước sinh hoạt, sản xuất từ vùng trũng đến vùng cao bức xúc, với hàng triệu ha đất sản xuất nông nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn và nhu cầu cần được điều tiết nước ngọt trong toàn vùng… đang là mục tiêu trọng tâm phía trước để giai đoạn 2 dự án xây dựng thủy lợi ở miền Tây vượt qua thành tích cũ, cải tiến - trước tiên là hệ thống đê bao đầu nguồn dày công xây đắp trong suốt hơn 30 năm qua, đáp ứng yêu cầu mới.

TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Hệ thống đê bao ngăn lũ để thâm canh lúa 3 vụ đã đạt thành quả góp phần an ninh lương thực cho đất nước và quốc tế, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dân cư tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười đã phát triển, có điều kiện để điều chỉnh, cải tiến phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong thời kỳ mới”.

Việc khảo sát, ghi nhận những yếu tố bất cập bộc lộ từ hệ thống đê bao kết hợp giao thông và các tuyến dân cư trong tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười, vùng đầu nguồn phù sa ngập lũ là cơ sở thực tế cập nhật phương án cải tiến toàn diện, tận dụng tối đa khả năng đón lũ, nhận phù sa, tích trữ nước và điều tiết thủy lợi trong điều kiện thủy văn có sự thay đổi, trong đó cũng khắc phục “những bất cập, có ảnh hưởng đến việc thoát lũ thượng nguồn sông Cửu Long trong việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua” - như TS. Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) đã phản ánh.

“Vấn đề hiện nay là thiếu nước để cân bằng sinh thái” - TS. Lê Anh Tuấn, điểm trúng trạng thái mấu chốt của miền Tây. Giải quyết vấn đề này phải ưu tiên mở rộng không gian tích trữ nước trong mùa mưa lũ tại đầu nguồn đủ điều tiết cân bằng sinh thái trong vùng đặc biệt là mùa kiệt cần được tính toán thấu đáo.

Quy luật lưu dẫn dòng chảy tự nhiên phải được chú trọng nhiều hơn xuyên suốt tiến trình cải tiến công trình sẵn có và triển khai công trình mới theo dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2. Và yêu cầu đặt ra là không chỉ đảm bảo kiểm soát, ứng phó tình huống lũ tràn từ biên giới Tây Nam vào miền Tây bằng cách cho thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên), sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười), mà ý thức tận dụng khả năng trữ lũ phải được đề cao tối đa cùng với các biện pháp làm chậm lũ bằng hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ, nâng cấp, xây dựng mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho toàn vùng phải có sự kết hợp các giải pháp phi công trình, như Tiến sỹ Tuấn, đã nêu: “Cần ngăn chặn sự mở rộng các khu dân cư và vùng sản xuất ở những vùng trữ nước, từng bước khôi phục các khu dự trữ nước tự nhiên song song với việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ và cây trồng”.

Hệ thống đê bao cục bộ đầu nguồn có tác động gây thay đổi dòng chảy, hình thái sông, góp phần trầm trọng thêm tình trạng sạt lở bờ sông

Giảm tác động gây sạt lở bờ sông và ngập lụt cuối nguồn

Việc khôi phục không gian trữ nước, chủ động đón lũ, nhận phù sa, điều tiết nước ngọt cân bằng sinh thái trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên vốn có cũng sẽ khắc phục giảm thiểu sự tác động làm thay đổi dòng chảy, thay đổi hình thái các dòng sông, gây sạt lở bờ sông mà các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đã phát hiện từ việc nghiên cứu những bất cập của việc xây dựng hệ thống đê bao cục bộ “kiểm soát lũ”, “quản lý lũ” để canh tác 3 vụ lúa tại tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười thời gian qua.

Điều này có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh đập thủy điện thượng nguồn Mekong đã và đang ngăn giảm 75% trầm tích về miền Tây và tình trạng khai thác cát quá mức, gây sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng trầm trọng. Yêu cầu giảm áp lực do thay đổi dòng chảy và hình thái sông tại 512 vị trí sạt lở, dài tới 566km bờ sông rất bức thiết, đáp ứng nguyện vọng cư dân - nhất là gần 30.000 hộ dân đang đối mặt với tình cảnh mất nhà, mất đất, phải di dời, bởi 51 đoạn sông nguy cơ sạt lở cao tại tỉnh An Giang và 53 điểm sạt lở tại tỉnh Đồng Tháp.

TP. Cần Thơ - một trong những địa phương vùng hạ nguồn ngày càng bị ngập lụt trầm trọng hơn do tác động xây dựng đê bao khép kín ở đầu nguồn vào thời gian nước đổ (mùa lũ) kết hợp với triều cường, nước biển dâng

Cũng theo phát hiện từ các nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Cần Thơ về sự tác động của hệ thống đê bao cục bộ đầu nguồn khiến mực nước lũ gia tăng trên hệ thống sông chính, làm cho ngập lụt ở các địa phương hạ nguồn trầm trọng vào thời gian nước đổ (mùa lũ) kết hợp với triều cường, nước biển dâng. Do đó, việc cải tiến hệ thống đê bao cục bộ, phục hồi khả năng trữ lũ để điều tiết nguồn nước phù hợp sẽ góp phần giảm tình trạng ngập lụt ngày càng trầm trọng, bất thường những năm gần đây, cụ thể là giữa mùa “lũ kiệt” năm ngoái (tháng 9/2019) tại các đô thị cuối nguồn Mekong, như: Mỹ Tho, Bến Tre, Sóc Trăng, Vị Thanh, Cần Thơ,… nhiều tuyến quốc lộ chìm dưới 0,5m nước, gây tê liệt lưu thông đường bộ diện rộng.

Cùng với nhiều lợi ích thiết thực thôi thúc việc cải tiến hệ thống đê bao cục bộ, khôi phục các “túi nước” đầu nguồn, đáp ứng nhu cầu trữ lũ, điều tiết nước cân bằng sinh thái cho miền Tây trong mùa kiệt, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái, xuất thân tại miền Tây, khẳng định rằng: “Nên giảm bớt vụ lúa vào mùa lũ ở đầu nguồn để cho nước lũ tràn đồng ở vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười mang phù sa, tôm cá lên đồng. Hai vùng này với sức hấp thu tối đa được 20 tỉ khối nước, sẽ làm giảm ngập các thành phố trong mùa lũ và có nước để cân bằng, giảm mặn cho vùng ven biển vào mùa khô”.

Kỳ 3: “Cần mở rộng không gian chứa nước ở vùng giáp mặn”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Cần khôi phục các “túi nước” ở đầu nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO