Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính

Nguyễn Quỳnh| 22/09/2022 10:19

(TN&MT) - Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như: Cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả hợp lý hơn.

Xu thế tất yếu

Tại COP26, Việt Nam cam kết cắt giảm mức phát thải ròng bằng “0 ” vào năm 2050 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Cùng với Việt Nam, đã có hơn 100 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ này. Đây là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, là luật chơi mới của thương mại và đầu tư toàn cầu. Đây là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, phát triển xanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Theo Sở TN&MT TP. HCM, trên địa bàn thành phố có 140 cơ sở lớn cần thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong 4 lĩnh vực công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường. Một số doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách trên gồm: Công ty TNHH Điện tử Samsung, Tổng Công ty Việt Thắng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm thương mại Saigon Centre, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước…

Để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định hướng hới mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của Doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0” mới đây, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng như nguyên vật liệu tạo ra các sản phẩm dịch vụ. Đây cũng chính là nguồn gây phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải của nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp là một trong các đối tượng thực hiện giảm phát thải khí nhà kinh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Được biết, hiện nay, EU đã đưa ra một cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Cơ chế này, ban đầu sẽ áp dụng đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Châu Âu. Quy định cơ bản rằng các mặt hàng đó trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã được thực hiện với việc giảm phát thải nhà kính. Đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp của Việt Nam.

Nhiều thuận lợi

Ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì Sự Phát triển Bền vững (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trong việc giúp Việt Nam đạt các mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng hơn.

5.jpg

Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sử dụng điện năng lượng mặt trời góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng Đảm nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT): Lợi ích của doanh nghiệp hiện nay là Việt Nam có một thị trường rất năng động, đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, nền kinh tế xanh. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có nhiều lợi thế khi chuyển giao công nghệ. Đây là điều mà rất nhiều quốc gia mong muốn có mà không được.

Tham dự Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VI - năm 2022 với Chủ đề “Phát triển xanh và cam kết của Việt Nam tại COP26” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, đại diện Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, thời gian qua, công nghệ và quy trình sản xuất tại các nhà máy của URC Việt Nam liên tục được cải tiến, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong sản xuất, URC áp dụng bộ nguyên tắc 3R (Reduce “tiết giảm” - Reuse “tái sử dụng” - Recycle “tái chế”) để gia tăng hiệu quả trong quá trình quản lý tài nguyên, sử dụng năng lượng và đầu tư vào sản xuất.

Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết: Hiện nay, Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các quy định kỹ thuật cũng như xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các hoạt kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Với vai trò quan trọng của doanh nghiệp với nền kinh tế, việc thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp phải đảm bảo sự cân bằng và phát triển của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO