Thúc đẩy quản trị công nghiệp khai thác gắn với bảo vệ môi trường

05/12/2014 00:00

(TN&MT) - Đó là một trong những nguyên tắc quan trọng khi thành lập khung hành động cho quản trị ngành công nghiệp khai thác trong khu vực ASEAN.

(TN&MT) - Đó là một trong những nguyên tắc quan trọng khi thành lập khung hành động cho quản trị ngành công nghiệp khai thác trong khu vực ASEAN được đề cập đến trong Hội thảo “Giới thiệu khung quản trị công nghiệp khai thác khu vực ASEAN - Sáng kiến thúc đẩy quản trị tốt lĩnh vực dầu, khí và khoáng sản khu vực Asean”. Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Viện Cải cách các Dịch vụ Thiết yếu (ISESR) phối hợp tổ chức vào ngày 5/12 tại Hà Nội.
   
  Là một sáng kiến góp phần hỗ trợ xây dựng khu vực Asean thịnh vượng, cạnh tranh và công bằng như đã được thể hiện trong tầm nhìn Asean năm 2020, liên minh các tổ chức xã hội khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ dự án IKAT-US do USAID và Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên hỗ trợ, đã xây dựng Khung quản trị Công nghiệp Khai thác khu vực Asean.
    
TS. Phạm Bích San – Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
   
  Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết: Tiến trình hợp tác ASEAN có thể tạo ra những cơ hội và cơ chế giúp các quốc gia thành viên giải quyết những thách thức để quản trị tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thông qua các cơ chế hợp tác về lĩnh vực khoáng sản và năng lượng, Asean có thể khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt cho công nghiệp khai thác.
   
Ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phát biểu khai mạc Hội thảo
   
  Theo ông Nguyễn Việt Dũng thì các mục tiêu cụ thể của khung quản trị gồm: Cung cấp các nguyên tắc và khung tổng thể nhằm hài hòa các chính sách quản lý công nghiệp khai thác của các thành viên ASEAN và đảm bảo việc áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt; Cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý công nghiệp khai thác khu vực ASEAN nhằm đảm bảo sự tương đồng về mức độ cạnh tranh giữa các thành viên ASEAN; Đảm bảo sự hài hòa và chuẩn hóa sẽ được cân nhắc trong từng giai đoạn khác nhau của quốc gia mỗi thành viên ASEAN; Cung cấp hướng dẫn để xây dựng công cụ giám sát lĩnh vực khai thác tài nguyên ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN.
   
  Theo ông Fabby Tumiwa – Giám đốc Viện Cải cách và Dịch vụ Thiết yếu (IESR) thì dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản là những ngành chủ đạo trong nguồn thu ngân sách của các quốc gia thành viên ASEAN. “Tuy nhiên, một trong những thách thức rất lớn của cộng đồng ASEAN là những chuẩn mực chung để đảm bảo tất cả các nước đều lớn mạnh, đồng thời đảm bảo lợi ích nhân dân của các nước thành viên. Đây chính là động lực để IESR đưa ra đề nghị về tiêu chuẩn đối với ngành quản trị công nghiệp khai thác thông qua Khung quản trị công nghiệp khai thác ASEAN.” – ông Fabby Tumiwa chia sẻ.
Ông Fabby Tumiwa – Giám đốc Viện Cải cách và Dịch vụ Thiết yếu (IESR) phát biểu tại Hội thảo
   
  Ông Fabby Tumiwa cũng cho biết: Sau khi tham khảo nhiều tiêu chuẩn quốc tế, Viện Cải cách các Dịch vụ Thiết yếu đã đưa ra bốn nguyên tắc để thành lập Khung quản trị công nghiệp khai thác ASEAN gồm: Bảo vệ môi trường; Tôn trọng và bảo vệ quyền lợi con người; Giải pháp minh bạch và giải trình trách nhiệm; Khung hành động tài chính hợp lý cho tăng trưởng kinh tế.
   
  Trong nguyên tắc về bảo vệ môi trường, ông Fabby Tumiwa nhấn mạnh những quan điểm, điều khoản như: Thiết lập “Khu vực không được hoạt động” (NO-GO-ZONE); Đánh giá tác động môi trường và xã hội; Ngăn ngừa sự đổ thải nguy hiểm; Cơ chế khiếu kiện và kiểm toán; Quỹ phục hồi; Quản lý tác động môi trường của các mỏ nhỏ, thủ công.
    
Toàn cảnh Hội thảo
   
  Tại Hội thảo, sau khi trình bày về một số nét đặc thù của Việt Nam trong việc triển khai Khung quản trị công nghiệp khai thác ASEAN, TS. Phạm Bích San – Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Khung quản trị công nghiệp khai thác ASEAN là một thực tiễn rất tốt để Việt Nam thử nghiệm các vai trò xã hội, thúc đẩy sự hợp tác và đóng góp của các cơ quan xã hội cho nền công nghiệp khai thác khoáng sản nước nhà, phục vụ cho đất nước để sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường nhằm chuẩn bị cho Việt Nam chắp cánh vươn tới một thời kỳ thay đổi cơ bản và toàn diện.”
   
Bài và ảnh:Mai Đan
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy quản trị công nghiệp khai thác gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO