Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam

ThyThu| 09/03/2023 17:57

Ngày 9/3, tại Hà Nội Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Công ty Alinea international Ltd. (Canada) tổ chức Hội thảo quốc tế Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam giao dịch nội bộ và liên đoàn hợp tác.

Tham dự Hội thảo có các Bộ, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, UBND các tỉnh/thành phố; một số Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia, Liên minh hợp tác xã...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, sau 20 năm chúng ta mới có được Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về khu vực kinh tế tập thể, sau 10 năm chúng ta mới có cơ hội để sửa đổi Luật HTX, vì vậy đây là thời điểm tổt để chúng ta tận dụng, xác định đúng hướng đi, tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ, có các chính sách phù hợp, khuyến khích, thu hút được sự tham gia và đóng góp của các thành viên cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác; qua đó, mang lại các cơ hội thay đổi căn bản cho khu vực này, tạo được sự hỗ trợ đắc lực cho các hộ nông dân trong thời gian tới.

Vấn đề giao dịch nội bộ, mặc dù đã có quy định về tỷ lệ giao dịch với các thành viên, giao dịch ngoài thành viên tại Luật HTX năm 2012, song trên thực tế chưa làm rõ được giao dịch nào được xem là giao dịch nội bộ, giao dịch nào không được xem là giao dịch nội bộ, cách thức hạch toán, kế toán nên thiết kế như thế nào cho phù hợp, trên cơ sở đó thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho khả thi… Chính vì vậy, hiện nay về cơ bản Việt Nam vẫn chưa có được các chính sách khuyến khích hiệu quả cho các tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ rất tốt cho thành viên của mình.

z4168260278901_c666e8e3c14109da9a9933049a59ffa8.jpg
Thứ trưởng Trần Duy Đông (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại Hội thảo.

Đối với vấn đề về liên đoàn, mô hình này phổ biến và đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ và phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình này do thiếu khung pháp lý; nhưng trên thực tế đã có nhu cầu thành lập liên đoàn và xu hướng liên kết để thành lập các liên đoàn, đặc biệt là các liên đoàn theo các ngành, lĩnh vực có thể nói là tất yếu để tăng quy mô, tạo chuỗi sản xuất, kinh doanh chuyên môn hóa cao, từ đó tăng sức mạnh cạnh tranh và thậm chí vươn ra các thị trường xuất khẩu của các tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết, quy định đặc thù, thí điểm nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của mô hình liên đoàn này là rất cần thiết.

Cũng tại Hội thảo đã có những khuyến nghị xác đáng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, góp phần tạo sự chuyển biến lớn cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng nhất thời điểm này Việt Nam cần có các quy định về khung pháp lý ở mức cao nhất là Luật để tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của mô hình này. Đây là mô hình tự nguyện, tự chủ của các HTX và liên hiệp HTX, không phải tổ chức do Nhà nước thành lập, không có sự bao cấp từ Nhà nước; mô hình này cũng phát triển từ rất lâu ở nhiều nước trên thế giới và hỗ trợ rất đắc lực cho các HTX thành viên.

z4167593107054_cc0d3d8b10349a4ddf8d3771c25803d7.jpg
Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam.

Đối với vấn đề về giao dịch nội bộ, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, đây là hoạt động mang tính đặc trưng, phản ánh bản chất của mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, cần phải thể hiện rõ trong dự thảo Luật sửa đổi Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam, cần tính toán các quy định thế nào để vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của các thành viên và tổ chức kinh tế hợp tác, vừa không phát sinh các yêu cầu quá phức tạp để các tổ chức kinh tế hợp tác thuận lợi trong quá trình xác định, theo dõi, ghi chép và hạch toán các hoạt động giao dịch nội bộ này; cần tính đến việc có chính sách cho “chuỗi các giao dịch nội bộ” để khuyến khích việc tăng giá trị gia tăng sản phẩm của hợp tác xã thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi đến việc ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện sơ chế, chế biến và phân phối ra thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Đồng thời giai đoạn tới, việc tập trung nguồn lực cho chính sách đào tạo, bồi dưỡng là rất quan trọng để nâng cao năng lực, trình độ các cán bộ quản lý, điều hành, cán bộ kỹ thuật của các tổ chức kinh tế hợp tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO