Thúc đẩy cách mạng 2 lần xanh trong nông nghiệp

Khánh Ly (Thực hiện)| 17/12/2020 13:01

(TN&MT) - Nông nghiệp sinh thái với những lợi ích về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và giá trị kinh tế cao đang trở thành đích đến của nền nông nghiệp hiện đại. Để hiểu rõ hơn về sự phát triển của nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

PV: Vì sao có thể gọi nông nghiệp sinh thái là cách mạng 2 lần xanh, thưa ông?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã từng trải qua cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất trong nông nghiệp. Đó là nền nông nghiệp sử dụng giống cải tiến, thâm canh sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lương thực. Có thể nói, cuộc cách mạng này khá thành công khi tạo ra những bước tiến vượt bậc về năng suất. Đặc biệt, Việt Nam từ một nước thiếu ăn trở thành một trong những nước xuất khẩu lượng thực hàng đầu thế giới. Thế nhưng, mặt trái là ô nhiễm môi trường, suy thoái đất, mất an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng và của chính nông dân sử dụng hóa chất.

Nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp sử dụng tối đa các nguyên tắc của hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng hóa chất hợp lý khi rất cần thiết. Bởi vậy, nói nông nghiệp sinh thái là cách mạng 2 lần xanh có ý nghĩa: đây là cuộc cách mạng “phủ xanh” cách mạnh lần thứ nhất, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Lý tưởng nhất là canh tác hữu cơ hoàn toàn không dùng hóa chất, nhưng mô hình này đòi hỏi các điều kiện khắt khe và khó nhân rộng.

Không chỉ canh tác hữu cơ, nông nghiệp sinh thái còn bao gồm rất nhiều thực hành nông nghiệp, áp dụng công nghệ khác nhau, như: nông lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt... sử dụng nguyên lý của hệ sinh thái để tăng tính chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo thu nhập, năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm.

PV: Nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam đang phát triển ở mức độ nào, thưa ông?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Ở Việt Nam, nông nghiệp sinh thái mới manh nha ở một số vùng. Canh tác hữu cơ làm trên rau là chính, giờ đang mở rộng ra lúa, dừa và phát triển mạnh ở khu vực gần đô thị, nơi mà thị trường đang có nhu cầu lớn về mặt hàng này.

Vườn rau hữu cơ của HTX Thanh Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội) xen canh nhiều loại rau tạo "bức tường sinh thái" ngăn sâu bệnh hại và trồng hoa dụ các loài thiên địch

Nông lâm kết hợp phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên. Ví dụ, tỉnh Sơn La đang có chiến lược chuyển đổi những vùng canh tác ngô trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang hỗ trợ tỉnh thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp, canh tác nhiều tầng trên đất dốc nhằm tăng lớp phủ thực vật, chống xói mòn. Tại Tây Nguyên, những vườn độc canh cà phê đang dần được thay thế bởi mô hình xen canh với cây che bóng như sầu riêng, tiêu, bời lời, mắc ca… Ở vùng đồng bằng có tỉnh Thái Bình và một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thâm canh lúa cải tiến (SRI) hay thâm canh lúa bền vững (SRP) ở quy mô nhỏ.

PV: Việc chuyển đổi từ nông nghiệp thâm canh truyền thống sang nông nghiệp sinh thái trên quy mô lớn cần những điều kiện gì, thưa ông?

PGS.TS Đào Thế Anh: Việc thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp không phải đơn giản. Trước tiên, cần thay đổi nhận thức của người nông dân và lớn hơn là thay đổi nhận thức của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là trong việc sử dụng ít hóa chất hơn. Bên cạnh đó, nên khai thác tối đa giống bản địa để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại chỗ. Thuận lợi hiện nay là ngành nông nghiệp cũng đang khuyến khích nội dung này trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thiếu nguồn phân hữu cơ cũng là thách thức phải giải quyết trong thời gian tới. Nông nghiệp sinh thái cần lượng phân hữu cơ khá lớn để bổ xung cho lượng phân vô cơ giảm đi. Nếu áp dụng phương pháp ủ truyền thống rất mất thời gian và tốn diện tích. Bởi vậy, Viện đang nghiên cứu các loại vi sinh vật mới giúp rút ngắn thời gian phân hủy hữu cơ từ 3 tháng xuống còn 1 tháng, 1 tháng rưỡi. Cũng có doanh nghiệp kinh doanh phân hữu cơ, nhưng như vậy sẽ làm tăng giá thành sản xuất nên cần tận dụng tối đa nguồn phân tại chỗ, phế phụ phẩm hữu cơ để trả lại chất mùn cho đất. Về mặt khoa học là trả lại các-bon cho đất. Sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Pháp đã thúc đẩy một sáng kiến với mục tiêu trả lại 4 phần nghìn các-bon cho đất mỗi năm. Việt Nam đã tham gia sáng kiến này và đây cũng là tiền đề cho chính sách thúc đẩy ngành nông nghiệp sử dụng phân hữu cơ trong canh tác, sản xuất.

Mô hình trồng lúa SRI tại huyện Gò Công Tây, Tiền Giang

Thực tế, nhiều địa phương có nhu cầu chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ, nhưng vướng mắc là không có tư vấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Ngay cả năng lực tập huấn, đào tạo của ngành khuyến nông về nông nghiệp sinh thái cũng còn hạn chế. Hiệp hội hữu cơ (VOOA) hiện đang không thể bố trí đủ thời gian để đào tạo cho các tỉnh về nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thiếu các tổ chức chứng nhận sản phẩm sinh thái, hữu cơ chuyên nghiệp. Ngoài chứng chỉ hữu cơ PGS (Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia) phát triển từ 2008 đến nay, còn có hình thức chứng nhận bên thứ ba của doanh nghiệp do Bộ khoa học và công nghệ, Bộ NN&PTNT cấp phép. Đây là lĩnh vực mới nên doanh nghiệp Việt Nam còn yếu cả về năng lực và uy tín. Nhiều nơi muốn xuất khẩu phải mời doanh nghiệp chứng nhận quốc tế với chi phí cao, làm đội giá thành.

Không chỉ chuyển đổi phương thức sản xuất, để sản phẩm nông nghiệp sinh thái tồn tại được phải tác động đến toàn chuỗi giá trị. Trong những năm đầu chuyển đổi, năng suất có thể giảm và người dân cần được đảm bảo thu nhập. Bởi vậy, sản phẩm sinh thái an toàn cần được bán giá cao hơn, bằng cách phát triển thị trường và truyền thông cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nông nghiệp sinh thái. Nhà nước cũng cần hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và vốn vay tín dụng cho nông dân tham gia vào lĩnh vực này; kết nối với thị trường và để người tiêu dùng phát huy vai trò định hướng, hướng tới sản phẩm chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng.

PV: Mất bao nhiêu thời gian để nông sản sinh thái, hữu cơ có thể trở thành hàng hóa phổ biến và liệu năng suất có phải là rào cản, thưa ông?

PGS.TS Đào Thế Anh: Ở Thái Lan, những doanh nghiệp hữu cơ đầu tiên thường tập trung vào xuất khẩu bởi thị trường đã có nhu cầu sẵn. Khi nhận thức của người tiêu dùng trong nước thay đổi, sản phẩm hữu cơ ít xuất đi bởi thị trường nội địa còn không đủ hàng để đáp ứng. Tại Việt Nam, phong trào hữu cơ xuất hiện từ khoảng năm 2008 và đến nay, nhu cầu khá lớn nhưng nguồn hàng đạt chuẩn không nhiều.

Nguyên nhân do thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi rất nhanh, trong khi nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ lại mất nhiều thời gian. Cần ít nhất 6 tháng đến 3 năm chuyển đổi thì mới có thể rửa trôi các loại hóa chất tồn dư trong đất. Năng suất cũng sẽ giảm nên ban đầu rất cần có sự khuyến khích, hỗ trợ thị trường để đảm bảo thu nhập, thúc đẩy nông dân tiếp tục sản xuất. Nghiên cứu lâu năm ở nước ngoài cho thấy, sau khoảng 8 -10 năm canh tác hữu cơ, khi đất thành thục rồi thì năng suất sản phẩm sinh thái, hữu cơ cũng không chênh lệch nhiều so với thâm canh truyền thống.

Các tiêu chuẩn hữu cơ như PGS khá chặt chẽ và đòi hỏi chấp hành nghiêm ngặt các quy định canh tác, sản xuất. Điều này thúc đẩy nông dân phải nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, khi có một bộ phận khách hàng quen thuộc rồi, muốn tăng sản lượng hữu cơ phải nhân rộng những mô hình lên. Khó khăn là nông dân hiện vẫn đang tự mày mò, “mạo hiểm” đầu tư chứ chưa có nhiều hỗ trợ từ Nhà nước. Trước mắt, với hiện trạng chưa đủ năng lực sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm sang các tiêu chuẩn như Vietgap, GlobalGAP chứ không nên chỉ tập trung vào hữu cơ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cách mạng 2 lần xanh trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO