Thuận Châu siết chặt quản lý 9 cơ sở chế biến cà phê

Nguyễn Nga| 16/12/2019 13:36

(TN&MT) - Năm 2019, trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 9 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, tăng 2 cơ sở so với năm 2018; trong đó, 3 cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Để tăng cường công tác quản lý môi trường với các cơ sở trên, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh kiểm tra, yêu cầu các cơ sở chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước.


Huyện Thuận Châu triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm trong sơ chế cà phê

Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng phòng TN&MT huyện Thuận Châu cho biết: Trước niên vụ cà phê 2019-2020, UBND huyện đã phối hợp cùng Sở TN&MT, UBND thành phố Sơn La tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho 10 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu và 30 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tại thành phố Sơn La.

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về tăng cường quản lý môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn huyện niên vụ 2019 - 2020, với các nội dung: Chủ động phòng ngừa kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản.

Tổ chức triển khai quản lý môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn toàn huyện, tập trung vào 6 xã: Bon Phặng, Muổi Nọi, Nong Lay, Tông Lạnh, Chiềng Pha, Phổng Lái.

Đồng thời, thành lập Tổ kiểm tra công tác thực hiện phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, trong đó, giao nhiệm vụ cho Tổ kiểm tra giám sát, kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước; chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Xử lý vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Kiến nghị, đề xuất các nội dung có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các đối tượng được kiểm tra.

Qua rà soát, năm 2019, trên địa bàn huyện Thuận Châu có 9 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, tăng 2 cơ sở, trong đó, 3 cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước; 6 cơ sở không nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hộ sơ chế của ông Hồ Văn Kiện, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cà phê

UBND huyện đã xác nhận 4 hồ sơ Kế hoạch bảo vệ môi trường của 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô hộ gia đình, gồm: hộ bà Khúc Thị Vân, ông Hồ Văn Kiện, ông Nguyễn Văn Chung, bà Lương Thị Tuyết; đề nghị các hộ kinh doanh trên thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước thải và khí thải của cơ sở với sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo kết quả quan trắc định kỳ 2 lần/năm (trong thời gian hoạt động và khi tái sử dụng chất thải của cơ sở) về UBND huyện Thuận Châu qua phòng TN&MT.

Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký và các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Chỉ được triển khai thực hiện sản xuất, sơ chế cà phê sau khi được cấp có thẩm quyền xác nhận hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải có xác nhận nghiệm thu của cấp có thẩm quyền.

Trong quá trình kiểm tra, còn một số cơ sở như: Cơ sở của ông Nguyễn Văn Hân (bản Nam Tiến, xã Bon Phặng); ông Nguyễn Văn Thuấn (bản Nà Lạn, xã Tông Cọ); ông Lò Văn Dục (bản Nà Lạn, xã Tông Cọ)… đều chưa đảm bảo về môi trường.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở dừng mọi hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hoàn thiện các thủ tục về môi trường, hồ sơ lĩnh vực tài nguyên nước, kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Riêng về Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế - Chi nhánh Sơn La, tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, cơ sở đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Xưởng chế biến cà phê Cát Quế. Đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 100 m3/ngày.

Phòng TN&MT đã phối hợp với Đoàn Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của Xưởng chế biến cà phê Cát Quế.

Qua đó, Đoàn đã yêu cầu cơ sở thực hiện kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; Lập báo cáo quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Lập hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức; Thực hiện quan trắc chất lượng nước khai thác, nước thải sau khi xử lý theo quy định...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận Châu siết chặt quản lý 9 cơ sở chế biến cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO