Thừa Thiên – Huế: Thoát nghèo nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng

Văn Dinh| 15/02/2023 15:59

Những năm gần đây, làm tốt công tác bảo vệ rừng là “chìa khóa” giúp đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Thừa Thiên – Huế thoát nghèo, ổn định kinh tế.

Nam Đông và A Lưới là hai huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên – Huế, rất đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Trong nhiều năm qua, nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà những cánh rừng tự nhiên nơi đây được tăng cường quản lý, bảo vệ, góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh, cải thiện đời sống cho người dân sống ven rừng.

runghue-1.jpg

Người dân miền núi Thừa Thiên – Huế trồng rừng

Vùng cao đổi thay từ rừng

Phận nghèo đeo bám khiến ông Lê Thanh Bừng (trú thôn Hợp Thượng, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) một thời chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã mà không hề nghĩ đến chuyện bảo vệ rừng, dù biết rằng rừng che chở, bảo vệ bản làng mỗi mùa mưa bão. Hơn 5 năm trước, ông Bừng cùng nhóm hộ dân trong thôn được giao quản lý, bảo vệ gần 100 ha rừng, hưởng chính sách hỗ trợ từ DVMTR.

Ngoài mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tuần tra, bảo vệ rừng, các hộ còn được hỗ trợ từ 150-200 ngàn đồng/một chuyến tuần tra, bảo vệ từ nguồn DVMTR. Mỗi năm, kinh phí hỗ trợ từ DVMTR trên 10 triệu đồng/hộ tuy không lớn, nhưng giúp người dân mua con giống, cây giống, phân bón… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ việc luẩn quẩn với cảnh nghèo, nhóm hộ của ông Bừng dần ổn định cuộc sống nhờ chăn nuôi, trồng trọt.

A Lưới là một trong những huyện miền núi trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có diện tích rừng tự nhiên rất lớn với hơn 81.000 ha, nhờ làm tốt chính sách giao rừng, nhiều nhóm hộ, cộng đồng và hộ gia đình ở A Lưới đã thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Đến nay, huyện A Lưới đã tổ chức giao rừng cho 191 nhóm hộ, 11 hộ gia đình, 20 cộng đồng dân cư thôn và 2 tổ chức với tổng diện tích hơn 15.000 ha.

runghue-3.jpg

Tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các thôn, bản vùng cao của tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đơn cử, cộng đồng thôn A Ho (xã A Roàng, huyện A Lưới) đã được các cấp, ngành cấp đất cho các hộ dân trong thôn trồng rừng kinh tế với 50 ha, cao su 15 ha. Ngoài ra, thôn được cán bộ kiểm lâm giúp đỡ, hướng dẫn trồng hàng chục ha cây mây dưới tán rừng tự nhiên.

“Quá trình sản xuất mây, người dân được dự án Car-bi và dự án Hành lang bảo vệ đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê kông (thuộc Sở TN&MT) hỗ trợ trồng mỗi ha 3 triệu đồng. Các loại cây đang phát triển tốt, nhất là mây trồng ở những vùng ven rừng có nhiều ánh sáng. Một số loại cây dược liệu như ba kích, thiên niên kiện cũng được người dân đưa vào trồng và đã được các đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch...”, đại diện Ban Quản lý rừng cộng đồng A Ho chia sẻ.

Trong khi đó tại huyện miền núi Nam Đông, việc thực hiện chi trả DVMTR đã được triển khai từ năm 2014. Đến nay huyện đã giao hơn 6.200 ha rừng cho 30 cộng đồng, 81 hộ gia đình, 30 nhóm hộ quản lý, bảo vệ.

Riêng cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) được đánh giá là điển hình toàn tỉnh trong sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn kinh phí DVMTR trong QLBVR gắn với phát triển các mô hình sinh kế. Cách đây 5 năm, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi được DVMTR chi trả hơn 200 triệu đồng phục vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao gần 700 ha. Cộng đồng thôn trích nguồn hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động BVR, một phần hỗ trợ cho các hộ thành viên mượn theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế. Các mô hình phù hợp với điều kiện trình độ, năng lực canh tác của người dân như chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối. Mô hình trồng tre, mây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phòng chống tình trạng sạt lở bờ sông, suối trong mùa mưa lũ...

runghue-2(1).jpg

Người dân cùng lực lượng chức năng kiểm tra bảo vệ rừng

Góp phần bảo vệ rừng

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới Ngô Hữu Phước cho rằng, để hỗ trợ các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình nâng cao vai trò và năng lực trong công tác tuần tra BVR, lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đã triển khai họp tất cả các chủ rừng tại các xã được giao rừng kết hợp với kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn các cộng đồng thôn, các nhóm hộ gia đình và hộ gia đình về công tác QLBVR được giao. Ngoài ra, kiểm lâm huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông công tác QLBVR, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên cho người dân trên địa bàn.

“Qua các buổi tuyên truyền, người dân đã tự giác hơn trong công tác tuần tra BVR được giao, thường xuyên trao đổi thông tin cho chính quyền và kiểm lâm địa bàn để kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng. UBND các xã đã chủ động xây dựng phương án QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng hằng năm, phân công kiểm tra và thúc đẩy các chủ rừng...”, ông Phước thông tin.

runghue-4.jpg

Với việc được giao khoán, bảo vệ rừng thì người dân có cơ hội phát triển kinh tế và góp phần gìn giữ rừng bền vững hơn

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác QLBVR còn hạn chế thì từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình đặc biệt là bà còn vùng dân tộc thiểu số. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, rừng được bảo vệ tốt hơn, góp phần ổn định diện tích, độ che phủ rừng. Thông qua nguồn vốn chi trả DVMTR này góp phần tăng cường lực lượng đáng kể tại các chủ rừng là tổ chức không có lực lượng kiểm lâm.

“Trước tình hình khai thác, lấn chiếm rừng, đất rừng trái phép diễn ra phức tạp, thời gian qua, các cấp ngành đã giao khoán QLBVR cho cộng đồng dân cư quản lý, gắn với hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân nhằm giảm áp lực dựa vào rừng. Các chương trình, dự án trong và ngoài nước còn hỗ trợ cho các cộng đồng tại Nam Đông, A Lưới về phát triển sinh kế. Để mô hình này phát huy kết quả hơn nữa, tỉnh cùng ngành nông nghiệp đang tiếp tục rà soát và thu hồi những diện tích đất rừng quản lý không hiệu quả, gần với khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất của người dân giao lại cho các hộ và cộng đồng quản lý, sử dụng. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, theo dõi những diện tích này để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc giao đất, giao rừng...”, ông Tuấn khẳng định.

Năm 2022, số tiền chi trả tiền DVMTR trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế theo kế hoạch là 71,39 tỷ đồng, trong đó chi trả cho các tổ chức là 57,49 tỷ đồng và các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình là 13,90 tỷ đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Thoát nghèo nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO