Xã hội

Thừa Thiên – Huế: Thoát nghèo hiệu quả từ mô hình “Cần câu Xanh”

Văn Dinh 10/07/2023 - 15:21

(TN&MT) - “Cần câu Xanh” - mô hình thanh niên ý nghĩa tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã và đang trợ lực cho những hoàn cảnh khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Một ngày bình thường như mọi ngày, vào tháng 3 vừa qua, chị Tôn Nữ Thị Phượng (thôn Thủy Tụ, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) vỡ òa cảm xúc khi được cán bộ thông báo mình là một trong những hộ đầu tiên nhận con giống từ mô hình “Cần câu Xanh” trên địa bàn.

Chị Phượng cho hay, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, chồng bị bệnh và đã qua đời vào đầu năm nay, để lại chị và 3 người con.

“Khi biết tin, tôi thật sự rất vui. Xã đoàn Lộc Tiến hỗ trợ 40 con gà giống để mấy mẹ con phát triển sinh kế. Đây là cơ hội tốt để gia đình cải thiện nguồn thu nhập, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đoàn Thanh niên địa phương cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật khi cần thiết. Ngoài ra, Đoàn xã còn kêu gọi hỗ trợ bắt điện và nước sạch về tận nhà tôi”, chị Phượng vui mừng chia sẻ.

cancauxanh-1.jpg
Xã đoàn Lộc Tiến trao tặng con giống cho người dân thông qua mô hình “Cần câu Xanh”

Theo Xã đoàn Lộc Tiến, mô hình chăn nuôi của chị Phượng bước đầu mang lại hiệu quả, đàn gà sinh trưởng tốt. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình “Cần câu Xanh” do Xã đoàn Lộc Tiến thực hiện đã hỗ trợ 4 heo giống và gần 100 con gà giống cho 4 gia đình khó khăn có nguyện vọng phát triển sinh kế. Đơn vị đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm hỗ trợ thêm 3 – 5 trường hợp hộ nghèo tại địa phương.

Triển khai từ đầu năm 2023, mô hình “Cần câu Xanh” do Huyện đoàn Phú Lộc phát động đã lan tỏa đến khắp các xã, thị trấn. Đến nay, 17/17 xã của huyện Phú Lộc thực hiện mô hình này, qua đó, đã hỗ trợ gần 1.200 con gà giống, 48 heo giống, 50 vịt giống với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng cho những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.

Ở xã Lộc An, nhiều hộ nghèo khi thấy thấp thoáng bóng “áo xanh” chuyển con giống đến tặng cũng vô cùng mừng rỡ, xúc động. Xã Lộc An cũng là một trong những địa phương đang làm rất tốt mô hình “Cần câu Xanh”. Từ đầu năm đến nay, Xã đoàn Lộc An đã hỗ trợ 4 heo giống và 200 con gà giống cho các gia đình khó khăn.

cancauxanh-2.jpg
Mô hình “Cần câu Xanh” đã giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo

Trao đổi với PV, anh Hoàng Trần Quốc Phú – Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc cho biết, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Đoàn Thanh niên cũng không phải là ngoại lệ. Với mong muốn tạo ra một mô hình mới, “Cần câu Xanh” đã ra đời nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trợ lực cho những hoàn cảnh khó khăn phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Huyện đoàn và các Xã đoàn đã phối hợp với Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện và các xã, thị trấn tiến hành rà soát, khảo sát và lựa chọn đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Sau đó, tiến hành ký cam kết với người dân trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương để thể hiện sự quyết tâm.

“Mô hình mang ý nghĩa thiết thực với thông điệp trao “cần câu” hơn trao xâu cá. Thay vì hỗ trợ vật chất, các trường hợp khó khăn được hỗ trợ vật nuôi, cây trồng… Trước khi mang con giống đến tặng bà con, các cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên đã đến từng nhà hỗ trợ bà con làm chuồng trại. Nguồn giống hỗ trợ cũng được chọn lựa rất kỹ, từ những cơ sở uy tín để đảm bảo cho người dân chăn nuôi hiệu quả. Chỉ sau 3 - 4 tháng, người dân đã có thể cho xuất chuồng và dùng số tiền đó để tái sản xuất”, anh Phú nói.

Cũng theo Huyện đoàn Phú Lộc, đa phần nguồn kinh phí hỗ trợ mô hình đều được Huyện đoàn và các Xã đoàn, Thị đoàn huy động nguồn xã hội hóa từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Với bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định, mô hình “Cần câu Xanh” sẽ tiếp tục kêu gọi đa dạng nguồn hỗ trợ để có thể nhân rộng nhiều hơn nữa; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

cancauxanh-3.jpg
Người dân vui mừng khi có con giống

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tuổi trẻ Thừa Thiên - Huế đặt ra trong giai đoạn 2022 - 2027 là tham gia thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Đây sẽ là “kim chỉ nam” xuyên suốt để các cấp bộ Đoàn chú trọng và đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.

Thời gian qua, từ thực tiễn hoạt động, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo và hiệu quả nhằm trợ lực cho người nghèo cũng được tuổi trẻ toàn tỉnh phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân triển khai như: “Tủ mỳ 0 đồng”;“Dự án nuôi em”; Quầy hàng miễn phí “Ai thiếu đến lấy, ai thừa đến cho”; “Bát cháo nghĩa tình”,“Hũ gạo tình thương”, “Tay kéo biên phòng”, “Bữa cơm có thịt”, “Cần câu Xanh”…

“Chúng tôi đánh giá cao mô hình Cần câu Xanh mà Huyện đoàn Phú Lộc nói chung và các Xã đoàn ở huyện nói riêng đang thực hiện, người dân nghèo rất cần những việc làm ý nghĩa đó. Thời gian tới, hi vọng Huyện đoàn Phú Lộc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng hành giúp đỡ các hộ nghèo, đặc biệt là những trường hợp thanh niên khó khăn thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống”, anh Hoài nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Thoát nghèo hiệu quả từ mô hình “Cần câu Xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO