Thừa Thiên Huế: Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn

12/04/2016 00:00

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế là địa phương ven biển có nhiều đầm phá, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nhiều khu vực bị xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Thừa Thiên Huế đã có nhiều biện pháp nhằm giảm tác động của xâm nhập mặn trong đó việc tăng cường trồng rừng ngập mặn được chú trọng nhất.

Rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn và các vùng dễ bị xói lở
Rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn và các vùng dễ bị xói lở

Tăng cường trồng mới nhiều khu vực

Rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ cho cộng đồng trước các thiên tai, đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng dễ bị xói lở. Nếu diện tích rừng ngập mặn được phủ xanh, những khu vực ven biển, đầm phá sẽ trở thành những bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, bảo vệ tính đa dạng sinh học, giúp người nuôi trồng thủy sản có thể phá triển theo hướng nuôi sinh thái bền vững.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 30 ha rừng ngập mặn tự nhiên, tập trung ở Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đầu tư 110 tỷ đồng cho dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, đầm phá. Theo đó sẽ trồng mới 290 ha trong đó 160 ha ngập mặn và 130 ha ngập ngọt. Dự án được triển khai từ năm 2015, đến nay đã trồng được 50 ha.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng trồng rừng ngập mặn mở rộng diện tích rú Chá trên địa bàn thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong. Việc mở rộng diện tích rú Chá nhằm tạo “bức bình phong” rộng lớn bảo vệ khu dân cư, mùa màng cho nhân dân trong mùa bão, lũ, kết hợp phát triển khu du lịch sinh thái. Tại đây, đã trồng mới 10 ngàn cây đước, bần, dừa nước với diện tích 4,6 ha.

Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã trồng mới 50 ha rừng ngập mặn tại các cửa sông, cửa biển, ven phá Tam Giang. Sắp đến sẽ trồng mới 200 ngàn cây ngập mặn phân tán trong các khu vực ao nuôi trồng thủy sản, hạ triều và dọc bờ phá, bờ đầm, bờ biển…

Để phục vụ cây giống ngập mặn đạt tiêu chuẩn, thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu và sản xuất thành công hơn 30 nghìn cây các loài như: đước, vẹt, bần, sú, mắm…, đảm bảo thích nghi, có tỷ lệ sống cao với môi trường vùng ven biển, đầm phá của Thừa Thiên Huế.

Một khi những diện tích rừng ngập mặn được trồng phát triển tốt sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới cho địa phương, cộng đồng dân cư và cả hệ thống cảnh quan môi trường quanh khu vực.

Nâng cao ý thức bảo vệ

Nhiều khu vực sau khi trồng rừng ngập mặn do chưa có sự quan tâm trong công tác quản lý, bảo vệ một cách hiệu quả nên cây không phát triển, nhiều diện tích bị chết do gia súc ăn, dẫm đạp.

Để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công việc cần thiết nhất là nâng cao ý thức người dân, giúp người dân thấy được lợi ích của rừng ngập mặn.

Cần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng ngập mặn
Cần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng ngập mặn

Theo đó, trong ngày ra quân trồng rừng, chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, không được chăn thả gia súc vào khu vực rừng trồng, nếu phát hiện trâu, bò vào rừng cần báo ngay đến chính quyền địa phương.

Sau khi trồng rừng ngoài việc dựng lưới chắn bao quanh khu vực rừng trồng nhằm ngăn chặn gia súc vào dẫm đạp, ăn cây sẽ bàn giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ. Chính quyền địa phương tự có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tham gia bảo vệ rừng; có quy định, quy chế và chế tài xử lý vi phạm. Cán bộ thôn, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện các trường hợp để gia súc vào rừng sẽ bị phạt nặng.

Ngoài ra, để công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đạt hiệu quả, tỉnh đã tận dụng các khu vực rừng ngập mặn để phát triển du lịch. Các tour du lịch sinh thái vừa có thể bảo vệ được rừng ngập mặn lại góp phần tăng thu nhập cho người dân để họ thấy thêm được nguồn lợi từ các khu rừng ngập mặn. Đồng thời, thông qua du lịch công tác quảng bá, tuyên truyền cũng được xúc tiến rộng rãi.

Nằm trong mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, hiện Thừa Thiên - Huế đang tập trung vào bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

Bài & ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO