Thừa Thiên Huế: Sôi động lễ hội đu tiên làng Gia Viên

09/02/2019 09:22

(TN&MT) - Lễ hội đu tiên truyền thống tại Thừa Thiên Huế được giữ gìn hàng trăm năm qua, nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Vị cao niên làng Gia Viên đánh trống khai mạc hội đu
Vị cao niên làng Gia Viên đánh trống khai mạc hội đu

Vào mùng 4 Tết Kỷ Hợi (8/2), hàng nghìn người dân và du khách gần xa đã đổ về làng Gia Viên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) để xem lễ hội đu tiên truyền thống.

Theo các vị bô lão trong làng, đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua; cũng là trò chơi phổ biến trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc tại Thừa Thiên Huế.

Để chuẩn bị cho lễ hội đu truyền thống, từ trước Tết, Ban tổ chức đã dựng sẵn hai cây tre già rất thẳng và có độ dẻo dai cao, ở trên có gắn cờ hội bay phấp phới, ở giữa có buộc dây thừng để người chơi có thể đu cao nhất có thể. Người chơi lên giá đu được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Theo phong tục bấy lâu nay của thôn Gia Viên, hội đu chỉ dành cho nam giới. Năm nay thu hút 30 chàng trai khỏe mạnh đến từ trong và ngoài địa phương dự thi. Các thí sinh được bốc thăm theo số thứ tự từ 1 đến 30 và sẽ thi theo hình thức đấu loại trực tiếp.

Các thí sinh được mang bảo hộ, chuẩn bị kỷ lưỡng trước khi tranh tài
Các thí sinh được mang bảo hộ, chuẩn bị kỷ lưỡng trước khi tranh tài

Mở đầu hội đu, một bô lão uy tín của làng Gia Viên bận áo dài khăn đóng đánh trống và thực hiện các nghi lễ truyền thống, sau đó lên giá đu để mở màn ngày hội. Tiếp đến là phần tranh tài quyết liệt và đẹp mắt của các nam thanh niên khỏe mạnh trong tiếng reo hò, cổ vũ hết sức nhiệt tình của người dân trong làng và du khách dưới cái nắng đầu xuân.

Ngoài việc phải đu cho thật cao, người chơi còn phải nhún sao cho đẹp mắt, phải tạo đà sao cho đu càng cao càng tốt. Tay của người chơi chạm cờ đỏ thì đó là người chiến thắng và chuyển sang tranh tài ở giải khác.

Có 5 giải được trao cho 5 người có thành tích thi đấu xuất sắc nhất, bao gồm giải cúng, nhất, nhì, ba và cuối cùng là giải phá. Giải cúng là giải được trao cho người đầu tiên đu cao nhất và chạm tay vào được lá cờ trên đỉnh đu. Giải phá là giải cuối cùng được trao cho người giật được cờ ra khỏi đỉnh đu. 

Có mặt ở lễ hội từ rất sớm, ông Nguyễn Minh (thị trấn Sịa) vui vẻ nói: “Năm nào tôi cũng đến đây xem. Các vận động viên đã phô diễn những thế đu trên cao rất đẹp và bắt mắt, thời tiết lại nắng ráo thì hội đu sẽ thu hút rất nhiều người tham gia”.

Người chơi phải đu thật cao, nhún thật đẹp…
Người chơi phải đu thật cao, nhún thật đẹp…

“Em đã nhiều lần tham gia hội đu này. Năm nay em rất vui vì đã nỗ lực hết mình và giành được giải cúng. Hy vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho em trong năm mới Kỷ Hợi này”- em Bùi Mạnh Điền, một thí sinh chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Trần Đức Thiện - Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, hội đu Gia Viên là một lễ hội văn hóa tốt đẹp cần được duy trì nên hằng năm, địa phương luôn tổ chức để rèn luyện những vận động viên trẻ, khỏe qua đó bảo tồn trò chơi truyền thống ...

“Không chỉ tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu xuân mới, qua hội đu, bà con nhân dân cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bên cạnh đó thắt chặt tinh thần đoàn kết của con dân trong làng để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…”- ông Thiện nói.

Được biết, ngoài làng Gia Viên, lễ hội đu tiên vẫn được lưu giữ và tái hiện nhiều ở làng khác ở Thừa Thiên Huế như Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Điền Hòa (huyện Phong Điền)... trong những ngày Tết cổ truyền; với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau.

Cố gắng chạm được cờ để giành chiến thắng
Cố gắng chạm được cờ để giành chiến thắng

Theo Sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)…, mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. ”

Như vậy, từ thế kỷ 12 đã ghi nhận sự thịnh hành của trò chơi dân gian này, qua đó cũng thấy được sự hoà nhập hết sức tự nhiên của đánh đu trong cuộc sống và lễ hội của người Việt.

Có nhiều loại hình thức và cách thức đánh đu, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất là đánh đu đôi hay còn gọi là đu tiên. Theo đó, từng cặp hai người sẽ lên so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên một tầm nhất định để được tán thưởng. Nhún đu cũng là một cách sinh hoạt để đôi lứa tìm nhau và trao nhau những điều khó nói qua ánh mắt bàn tay.

Hình ảnh tà áo nhiều màu sắc bay cùng cần đu đưa lên vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem thực sự trở thành một nét đặc trưng của các lễ hội; hình tượng phất phơ như tiên bay lượn trong gió, nên gọi là đu tiên.

Hình ảnh “đánh đu ngày Tết” trong tranh dân gian (Ảnh ST)
Hình ảnh “đánh đu ngày Tết” trong tranh dân gian (Ảnh ST)

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có bài thơ Đánh đu, nói về mùa Xuân thông qua trò chơi dân gian truyền thống:

“Tám cột khen ai khéo khéo trồng,

Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông. 

Trai đu gối hạc khom khom cật, 

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới. 

Hai hàng chân ngọc duỗi song song. 

Chơi xuân ai biết xuân chăng tá! 

Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”.

Trò chơi dân gian ngày xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩ nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân Việt. Là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Sôi động lễ hội đu tiên làng Gia Viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO