Thừa Thiên - Huế: Siết chặt xử lý chất thải chăn nuôi

22/02/2017 00:00

(TN&MT) - Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định ban hành “Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Một cơ sở chăn nuôi gà ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế)
Một cơ sở chăn nuôi gà ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế)

Theo quy định, địa điểm xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, tập trung phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, địa phương, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép; theo quy định về bảo vệ môi trường hiện hành.

Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 500m.

Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000 m2: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 300m.

Nơi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho hoạt động chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

Về xử lý chất thải, các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành. Khi chất thải rắn được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy định về vận chuyển chất thải hiện hành.

Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh, xác vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải thực hiện công bố dịch và tiêu hủy theo quy định. Chất thải nguy hại phải được quản lý và xử lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải nguy hại..

Tin và ảnh: Thế Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Siết chặt xử lý chất thải chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO