Xã hội

Thừa Thiên – Huế: Ổn định cuộc sống nhờ nghề mây tre đan

Văn Dinh 18/09/2023 - 15:33

(TN&MT) - Người dân tại làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã và đang có công ăn việc làm ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững nhờ tạo ra nhiều sản phẩm mây tre đan từ cây tre vốn thân thiện với môi trường. Nhiều mặt hàng không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày cho thị trường trong nước mà đã vươn rộng ra thế giới.

Làng Bao La là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng ở Huế, được hình thành và phát triển trên 600 năm. Thời ấy, bà con chọn mây tre đan làm nghề tay trái sau những ngày mùa tấp nập, tạo ra những vật dụng để phục vụ cuộc sống và sản xuất hàng ngày như rổ, rá, thúng, mủng... Đó cũng là “cần câu cơm” mỗi khi mất mùa. Làng này cách TP. Huế khoảng chừng 15 km về phía Bắc.

maytrehue-1.jpg
Các sản phẩm của mây tre đan Bao La được làm chủ yếu làm từ nguồn nguyên liệu tre, mây, rất thân thiện với môi trường

Người dân Bao La chia sẻ rằng, dần dần qua thời gian, cuộc sống hiện đại, các vật dụng từ chất liệu mây, tre đã bị thay thế bằng chất liệu nhựa. Vì thế, hàng chục năm trước, người dân trong thôn chẳng mấy ai còn mặn mà với việc đan lát, với nghề truyền thống này nữa. Nguy cơ mai một ngày càng cao và việc sản xuất chỉ mang tính cầm chừng, đời sống chật vật.

Bước ngoặt đến vào năm 2007, Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La được thành lập, với nhiệm vụ duy trì và phát triển nghề đan lát truyền thống trên địa bàn xã Quảng Phú.

Thời điểm ban đầu, HTX gặp muôn vàn khó khăn. Với vốn liếng hạn hẹp, nhân công rải rác, đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh, HTX chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp; dù tinh xảo, mẫu mã đẹp đến đâu cũng chỉ loanh quanh bên gánh hàng rong và các chợ làng.

Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX mây tre đan Bao La cho hay, gần 2 năm ròng rã kể từ thành lập HTX, ông cũng là một trong những người lên ý tưởng ra đời HTX và cố gắng làm mà không thu về được một đồng lương riêng cho bản thân. “Giai đoạn ấy, thu nhập từ việc bán các mặt hàng thu về không nhiều, lương trả cho công nhân ít nên nhiều người nghỉ việc, cộng thêm áp lực về kinh tế của gia đình nên có những lúc chỉ muốn bỏ cuộc...”, ông Dinh nhớ lại.

maytrehue-2.jpg
Người dân tại làng Bao La có công ăn việc làm ổn định nhờ tạo ra nhiều sản phẩm mây tre đan

Sau đó, các thành viên trong HTX đã mày mò, tìm hiểu mở rộng, phát triển thêm nhiều mặt hàng đa dạng từ mây, tre. Đến năm 2009, làng nghề chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Được chính quyền tỉnh tạo điều kiện nên những lần có Hội chợ thương mại hoặc các buổi triển lãm thì hàng hóa từ cơ sở đều có mặt để trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng ở khắp gần xa, và những mối đặt hàng bắt đầu từ đó. Dần dần, sản phẩm của của làng nghề được nhiều người biết đến.

Sau nhiều năm phát triển, hiện HTX mây tre đan Bao La có hơn 500 mẫu mã khác nhau được các nghệ nhân “chân đất” tạo ra và hàng năm phát triển thêm nhiều mẫu mới giá trị hơn và phù hợp với thị trường, trong đó có những “tác phẩm nghệ thuật: mô phỏng những địa danh nổi tiếng, đặc trưng của Huế như: Cầu ngói Thanh Toàn, Kinh thành Huế; chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền… Các sản phẩm của mây tre đan Bao La được làm chủ yếu làm từ nguồn nguyên liệu tre, mây có tại địa phương, rất thân thiện với môi trường. Từ đèn lồng trang trí các loại, mô hình di tích lịch sử, quà lưu niệm, túi xách đến đồ dùng thường ngày trong gia đình như rổ rá, lồng bàn, mâm cơm, khay trà, mành che nắng… để bán cho khách du lịch, các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê.

“HTX tổ chức hoạt động gắn với việc phát triển làng nghề truyền thống nên đã thu hút đông đảo thành viên và người lao động tham gia, góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động nữ tại địa phương lúc nông nhàn. HTX hoạt động theo mô hình vừa quản lý vừa điều hành nhằm giảm thiểu chi phí quản lý, hạ giá thành sản phẩm”, ông Dinh nói.

maytrehue-3.jpg
HTX mây tre đan Bao La đã tổ chức liên kết với các tour tuyến du lịch và tổ chức sản xuất tốt hơn nhằm nâng cao đời sống cho các thành viên

Không chỉ cung cấp trong nước, sản phẩm rổ rá của HTX được thị trường ngoài nước rất ưu chuộng và có nhu cầu lớn. Hằng năm, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hà Nội và khu vực phía Bắc hợp đồng mua các sản phẩm để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Hiện nay, không khí tại làng tre Bao La luôn sôi động, nhất là những ngày cận Tết. Doanh thu mỗi năm của HTX hơn 5 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng riêng hàng xuất khẩu doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, hàng ngày tại đây còn bán hàng cho khách du lịch, người dân. Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 140 lao động tại địa phương, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, lao động được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội. Riêng năm 2021, dù dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh mua bán trì trệ, HTX vẫn tạo ra các sản phẩm và thu về 4,2 tỷ đồng, tạo sinh kế cho người dân, đời sống bà con được nâng lên, từng bước thoát nghèo nghèo.

“Tôi tham gia HTX cũng trên 5 năm rồi. Ngày xưa gia đình khó khăn, đi bán vé số. Sau đó tôi xin vào đây để học nghề và gắn bó đến nay. Ở đây thu nhập ổn định, có tiền để cho con cái ăn học, không còn vất vả như trước. Tôi cũng muốn con cháu yêu nghề và có hướng đi mới cho nghề để phát triển hơn…”, chị T. – một thợ đan chia sẻ.

maytrehue-4.jpg
Đời sống bà con đang được nâng lên, từng bước thoát nghèo

Được biết những năm gần đây, HTX đã đẩy mạnh công nghệ mới vào sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm vừa đẹp, vừa bền, vừa đảm bảo an toàn. Đơn cử, HTX không dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng nguyên liệu, mà dùng công nghệ mới, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để không ngừng phát triển, HTX được các cấp hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, nhà xưởng, nhà kho. Bên cạnh đó, thời gian qua HTX tiếp tục đầu tư, cải tạo và xây dựng các mô hình, trồng cây cảnh quan để tổ chức liên kết với các tour tuyến du lịch và tổ chức sản xuất tốt hơn nhằm nâng cao đời sống cho các thành viên và thu hút thêm lực lượng lao động trẻ tiếp nối nguồn nhân lực cho HTX.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La đã được Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế trao giấy chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”. HTX mây tre đan Bao La vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, liên minh HTX Việt Nam, Cờ thi đua của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, HTX điển hình tiên tiến… Năm 2023, sản phẩm rổ rá, đèn trang trí của HTX Bao La được Ban tổ chức sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên chọn dự thi sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia.

“Thời gian tới, HTX tiếp tục cải tạo, chỉnh trang khuôn viên cơ sở sản xuất để từng bước đưa vào khai thác dịch vụ du lịch và tham quan trải nghiệm tại cơ sở, đào tạo cán bộ và hướng dẫn viên, người lao động trong HTX cách tiếp đón khách tham quan. Tiếp tục vận động lực lượng bên ngoài vào tham gia sản xuất tại HTX; thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề để phát triển thêm nguồn nhân lực có tay nghề cao, nâng mức thu nhập cho người lao động”, ông Võ Văn Dinh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Ổn định cuộc sống nhờ nghề mây tre đan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO