Thừa Thiên Huế: Nghiên cứu phương án ứng phó sạt lở bờ biển

29/12/2017 12:37

(TN&MT) - Vừa qua, nhiều điểm sạt lở bờ biển mới ở Thừa Thiên Huế xuất hiện do mưa lũ lớn, triều cường cao... Các cơ quan chức năng đã và đang nghiên cứu các phương án tối ưu nhất để ứng phó với tình trạng này.

Sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc)
Sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc)

Chọn mô hình ứng phó phù hợp

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai vừa qua đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển các điểm mới và cũ trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10km qua các địa phương.

Trong vòng khoảng 40 năm qua, ước tính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hơn 100 ha đất bị biến mất do biển xâm thực. Tình trạng xâm thực biển diễn ra mạnh mẽ nhất từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 và diễn biến với cường độ ngày càng mạnh từ năm 2001 đến nay.

Có những điểm tái xâm thực nhiều lần sau khi khắc phục tạm thời như ở xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Nơi này xâm thực toàn tuyến bờ biển dài 3,3 km, có đoạn biển xâm thực chỉ còn cách Tỉnh lộ21 là 0,5 m; trong đó, tại bờ biển thuộc thôn 4 bị xâm thực sâu hơn 10m.

Sạt lở ăn sâu vào nhà người dân sống ven biển
Sạt lở ăn sâu vào nhà người dân sống ven biển

Tại cửa biển Vinh Hiền (thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, mưa lũ lớn khiến nước trong đầm Cầu Hai chảy ra mạnh cũng làm sạt lở sâu khoảng 10m, dài 100m. Ở hạ nguồn sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m. Cửa biển Lạch Giang cách đó không xa cũng bị sạt lở gần 1m với chiều dài khoảng 150m...

Các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, khảo sát để chọn mô hình ứng phó phù hợp. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều địa phương, thông dụng và hiệu quả nhất là trồng rừng phi lao chắn sóng hoặc xây kè chỉnh trị.

Tuy nhiên, đặc điểm địa hình vùng biển ở Thừa Thiên Huế là vùng bờ thấp, nằm sát mực nước nên việc trồng các loại cây chắn sóng ở một số nơi sẽ không hiệu quả do cây chưa đủ lớn, bộ rễ chưa đủ độ chống chọi với thiên tai, giữ đất thì đã bị sóng cuốn trôi. Do vậy, ở mỗi địa phương khác nhau, cần chọn phương án đầu tư chống sạt lở phù hợp nhằm đảm bảo tính hiệu quả trước mắt cũng như sự bền vững lâu dài.

Xây kè chống sạt lở biển được xem là giải pháp tối ưu
Xây kè chống sạt lở biển được xem là giải pháp tối ưu

Các nhà khoa học đánh giá nguyên nhân tình trạng sạt lở là do biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy hải văn, mực nước biển có xu hướng đang lên, tác động của triều cường đã làm tình trạng sạt lở, xâm thực biển ngày một nặng hơn.

“Trong những năm qua, UBND tỉnh đã mời nhiều đoàn chuyên gia của Bộ NN&PTNT và cả chuyên gia của nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu nhằm tìm biện pháp khắc phục. Biện pháp xây kè chống sạt lở hiện đã triển khai ở một số địa phương và phát huy được hiệu quả. Nhưng đây là giải pháp tốn kém kinh phí và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Do vậy, phương án sẽ nghiên cứu và chọn vùng nào phù hợp để triển khai xây kè, vùng nào có thể phát triển cây phi lao để ứng phó sạt lở...”, ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòngBan Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Đầu tư vùng xung yếu...

Ông Nguyễn Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, các điểm sạt lở đều được lãnh đạo tỉnh, huyện trực tiếp kiểm tra nhằm tìm phương án khắc phục trước mắt và xử lý lâu dài. Đối với các điểm sạt lở biển mới ở các địa phương như Vinh Hiền, Lộc Bình, Lăng Cô, trước mắt huyện đã huy động lực lượng và các nguồn lực tập trung xử lý bằng các vật liệu đơn giản như vải, bao cát, cọc gỗ gia cố tạm thời, tránh tình trạng xâm thực sâu thêm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra tình hình sạt lở sau các đợt mưa lũ vừa qua
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra tình hình sạt lở sau các đợt mưa lũ vừa qua

“Địa phương cũng chủ động huy động nguồn lực, làm việc với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu các phương án xây kè hoặc tìm các loại cây trồng phù hợp nhằm giữ đất, chống xói lở. Đối với khu vực biển Vinh Hải, xác định việc gia cố chống sạt lở trong các năm vừa qua chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, địa phương cần sự hỗ trợ của tỉnh, trung ương, xây dựng kè chống sạt lở mới chỉnh trị được khu vực này...”- ông Mạnh nói.

Ông Đặng Tiến Tùy- Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) thông tin, địa phương đã làm việc với Trường đại học Nông Lâm Huế về việc tìm phương án chống sạt lở bằng cách trồng cây giữ đất ven biển. Theo đó, sẽ triển khai trồng cây trang- loại cây cùng họ với cây đước, có sức sống mãnh liệt với bộ rễ bám sâu, giữ đất.

“Hy vọng khi triển khai trồng cây này sẽ phát huy hiệu quả chống sạt lở trên vùng biển xã Phú Thuận”- ông Tùy chia sẻ.

Tuyến đê kè vùng xung yếu ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền- ảnh) đã và đang được xây dựng...
Tuyến đê kè vùng xung yếu ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền- ảnh) đã và đang được xây dựng...

Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nguồn kinh phí xây dựng các công trình chống sạt lở biển chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, các cơ quan chức năng chỉ tập trung đầu tư các vùng xung yếu, trọng điểm như đã xây dựng tuyến đê kè chống sạt lở qua địa bàn xã Quảng Công, Hải Dương, Phú Thuận và tập trung khảo sát xây dựng các khu tái định cư. Các điểm còn lại như Vinh Hải, cửa Lạch Giang… sẽ cân đối nguồn vốn xây dựng trong những năm tiếp theo...

Được biết, vừa qua UNND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa vào chương trình nâng cấp đê biển, để có kế hoạch đầu tư xây dựng lâu dài; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án, xây dựng còn dang dở 8,3km; tiếp tục đầu tư 136km đê biển còn lại và 137 cống trên đê chưa được nâng cấp.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư khoảng 1.000 tỷ để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển tại các địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nghiên cứu phương án ứng phó sạt lở bờ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO