Thừa Thiên Huế: Nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã

Văn Dinh| 04/11/2019 09:47

(TN&MT) - Thời gian qua, nhiều người dân tại Thừa Thiên Huế sau khi phát hiện mèo rừng, cu li, khỉ mặt đỏ, kỳ đà... thì lập tức báo cho cơ quan chức năng để tái thả về môi trường tự nhiên. Qua đó, cho thấy nhận thức bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã của người dân được nâng lên đáng kể.

Cá thể mèo rừng được anh Rang giao lại cho Trung tâm CHBT&PTSV

Dân phát hiện nhiều loài quý

Tháng 4/2019 vừa qua, trong lúc đi trên QL1A đoạn qua xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), anh Nguyễn Văn Rang (trú xã Lộc Thủy) đã phát hiện có đối tượng đang rao bán một cá thể mèo rừng.

Mèo có trọng lượng 2kg, chi trước bên phải bị thương nặng. Nghi đây là loài quý hiếm nên anh Rang mua lại và tự nguyện giao nộp cho Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật (CHBT&PTSV) của Vườn Quốc gia Bạch Mã để cứu chữa.

Sau khi tiếp nhận, Trung tâm CHBT&PTSV đã tiến hành cứu hộ, chăm sóc, chữa trị vết thương và tái thả thành công về môi trường tự nhiên. Mèo rừng là loài động vật hoang dã thuộc nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Trước đó, ông Đinh Viết Phượng (64 tuổi, trú thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) đặt bẫy một cá thể mèo và bắt được cạnh chuồng gà nhà mình.

Theo ông Phượng, gần đầy khoảng 10 hộ dân tại thôn Đông Di liên tục bị cá thể mèo này vào tận chuồng bắt nhiều gà, chim bồ câu. Nhiều hộ dân sau đó đã đặt bẫy nhưng chưa bắt được “thủ phạm”.

“Xác định đây là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo vệ nên tôi đã bẫy rồi nuôi, sau đó tự nguyện trình báo và giao nộp cho Hạt Kiểm lâm huyện. Nó nặng tầm 3kg, lông vàng nhạt, sọc nâu đen trên thân, sức khỏe bình thường...”, ông Phượng chia sẻ.

Cá thể culi quý hiếm được thả về rừng

Sau khi tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Vang, Trung tâm CHBT&PTSV đã chăm sóc cá thể mèo quý hiếm này và tái thả về rừng.

Cuối tháng 2/2019, trong khi khai thác rừng keo tràm ở vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, chị Trương Thị Thu Thỏa (trú thôn Khe Su, xã Lộc Trì) phát hiện cá thể cu li bị lạc đàn, trọng lượng 0,3 kg. Biết đây là loài quý hiếm, chị Thỏa cùng với những người khai thác keo bắt giữ và chuyển giao cho Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Lúc tiếp nhận, tình trạng culi sức khỏe bình thường. Sau khi chăm sóc, Trung tâm CHBT&PTSV đã thả về rừng. Được biết, cu li (Nycticebus pygmaeus) được xếp vào danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm 2B, đang được bảo tồn và nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Cách đây ít ngày, một cá thể khỉ mặt đỏ lạc vào vườn nhà bà Trương Thị Lệ Thu (trú ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) tìm kiếm thức ăn trong tình trạng sức khỏe yếu. Gia đình bà Thu đã phát hiện, giữ lại chăm sóc. Cá thể khỉ nặng 7kg.

Nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc đã làm thủ tục tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ, chăm sóc và sau đó tiến hành bàn giao cho Vườn Quốc gia Bạch Mã để phối hợp thả về tự nhiên... 

Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thả nhiều cá thể quý hiếm về môi trường tự nhiên. Trong ảnh là khỉ mặt đỏ

Tiếp tục nâng cao nhận thức người dân

Trao đổi với PV, ông Đoàn Hoài Nam - Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, sau một khoảng thời gian đi vào hoạt động từ tháng 2/2017 đến nay, Trung tâm CHBT&PTSV đã tiếp nhận và cứu hộ thành công nhiều cá thể động vật hoang dã do người dân tình nguyên bàn giao.

“Hành động của người dân cho thấy ý thức bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trong cộng đồng đã dần được nâng cao, thật sự là tín hiệu đáng mừng. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều người dân, tổ chức có nhận thức và hành động bảo vệ động vật quý hiếm để đưa chúng về với môi trường tự nhiên an toàn...”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đầu tháng 8/2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thả 2 cá thể bồ nông chân hồng (Pelecanus onocrotalus), 1 cá thể culi nhỏ, 4 cá thể cầy vòi hương (Paradoxurus hermapphroditus), 1 cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), 2 cá thể kỳ đà vân (Varanus nebulosus) và 1 cá thể trĩ đỏ khoang cổ (Phasianus colchicus takatsukasae) về các rừng trong một số khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh. Những loài động vật quý này đều được người dân phát hiện và báo cho kiểm lâm.

Theo ông Tuấn, hoạt động tiếp nhận, cứu hộ và thả vào môi trường sống tự nhiên các loài động vật hoang dã được ngành kiểm lâm, các khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

“Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Cùng với đó, thời gian qua, ngành kiểm lâm triển khai nhiều đợt tuần tra, truy quét tại rừng, những nơi tập trung nhiều loài động vật hoang dã sinh sống. Hằng năm, lực lượng kiểm lâm đã tháo gỡ, tiêu hủy hàng ngàn cái bẫy thú, truy đuổi hàng trăm lượt người dân có dấu hiệu vi phạm, nghi vào bẫy thú rừng. Từ đó, số vụ săn bắt động vật hằng năm giảm đáng kể...”, ông Tuấn cho hay.

Được biết ngoài ra, nhiều loài động vật thủy sản khác nằm trong Sách đỏ như rùa, vích... cũng đã được Chi cục Thủy sản, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế tiếp nhận từ người dân và thả về môi trường biển trong những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO