Thừa Thiên Huế: Nâng cao đời sống, giúp người dân yên tâm bám đất, giữ rừng

Văn Dinh (thực hiện)| 17/03/2023 19:28

Trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, qua đó góp phần rất lớn giúp người dân dần thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Tuấn (ảnh) – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế.

atuan.jpg

Ông Lê Ngọc Tuấn

PV: Xin ông cho biết, tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh có thay đổi ra sao trong thời gian gần đây, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Tuấn:

So với các năm trước, rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế vẫn được giám sát chặt chẽ, các điểm nóng phá rừng đã cơ bản được khống chế; sản xuất lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, là cơ hội làm giàu của nhiều hộ dân ở vùng nông thôn và miền núi; công tác trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC có chiều hướng phát triển tốt với diện tích tham gia trồng rừng gỗ lớn ngày càng tăng.

Để đạt được những kết quả tích cực như trên là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các đơn vị chủ rừng cùng lực lượng bảo vệ rừng để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng.

Trong thời gian qua, việc triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực phát triển rừng tương đối hiệu quả, như Đề án trồng một tỷ cây xanh, Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác..., qua đó góp phần ổn định độ che phủ rừng và gia tăng nâng suất và chất lượng rừng trồng.

runghue-1.jpg

Lực lượng chức năng Thừa Thiên – Huế tuần tra, bảo vệ rừng

Công tác quản lý bảo vệ rừng đã nâng một tầm cao mới trong việc áp dụng rộng rãi các công nghệ thông tin trong giám sát, tuần tra rừng cũng như theo dõi qua ảnh viễn thám, phần mềm cảnh báo cháy rừng và mất rừng để kịp thời phát hiện biến động rừng và đề xuất hướng giải quyết phù hợp, qua đó góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững đã và đang giúp bà con giảm nghèo, phát triển kinh tế ra sao?

Ông Lê Ngọc Tuấn:

Hiện nay, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách đột phá được áp dụng rộng rãi trên cả nước. Từ khi thực hiện chi trả DVMTR, nhận thức của người dân đối với hoạt động bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tỉnh có tổng diện tích hơn 158.000 ha được chi trả DVMTR với số tiền hơn 71 tỷ đồng/năm (số liệu năm 2022), trong đó số tiền các chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng quản lý, bảo vệ rừng nhận được từ chính sách chi trả DVMTR với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng/năm với diện tích quản lý, bảo vệ hơn 27.000 ha.

Với số tiền nhận được từ nguồn cung ứng DVMTR đã và đang góp phần cải thiện thu nhập của hộ, là nguồn chi phí để trang trải cho những nhu cầu cơ bản của đời sống, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất thôn bản như đóng góp cho thôn sửa điện, mua bàn ghế, cải tạo nhà văn hóa, xây dựng cổng chào thôn, đóng góp vào quỹ ma chay cưới hỏi, tổ chức họp tổng kết và thậm chí trích cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân để họ có thêm kinh phí hoạt động. Ngoài ra, nguồn thu từ cung ứng DVMTR đã giúp cải thiện các hoạt động và chính sách theo dõi, giám sát và đánh giá tài nguyên rừng, từ đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

runghue-2.jpg

Nguồn cung ứng DVMTR góp phần cải thiện đời sống người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng

Bên cạnh chính sách chi trả DVMTR, các cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng tự nhiên quản lý, bảo vệ cũng đang được hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cùng với đó các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đang hỗ trợ nhiều mô hình phát triển lâm nghiệp gắn với phát triển sinh kế ở một số địa phương như các huyện miền núi: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền với mô hình làm giàu rừng bằng cây bản địa, trồng mây, cây dược liệu dưới tán rừng, hỗ trợ nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm thành phẩm, trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững... giúp người dân sống gần rừng có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sinh hoạt và dần không còn cuộc sống phụ thuộc vào rừng.

Thừa Thiên Huế hiện có 304.081,08 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 205.674,47 ha; diện tích rừng trồng 77.067,30 ha, diện tích mới trồng chưa thành rừng là 21.339,31 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh hiện đạt 57,15%, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ cao nhất trong cả nước.

PV: Thời gian tới, địa phương sẽ có những giải pháp nào để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giúp nâng cao đời sống người dân?

Ông Lê Ngọc Tuấn:

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trong thời gian tới, trong đó tập trung các hoạt động mang tính bền vững, đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả rừng và đất rừng nhằm gia tăng giá trị từ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái.

Trước hết, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án như Đề án trồng một tỷ cây xanh, Kế hoạch trồng rững gỗ lớn, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, trong đó giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 tại các địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn trên toàn tỉnh như A Lưới, Nam Đông, Phong Điền với nhiều mô hình hỗ trợ cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng làm giàu rừng, trồng dược liệu quý, hỗ trợ phát triển sinh kế gắn với quản lý rừng bền vững, trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng…

Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kêu gọi, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hiện các phương án quản lý rừng bền vững, xây dựng các mô hình phát triển sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nâng cao đời sống, giúp người dân yên tâm bám đất, giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO