Thừa Thiên – Huế: Nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng

Văn Dinh| 09/04/2022 13:55

Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế yêu cầu các ban ngành, đơn vị, địa phương phải cùng chung tay trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra 95 vụ cháy, trong đó có 77 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng gây thiệt hại là 48 vụ, diện tích thiệt hại sau xác minh là 511,51 ha. Số người tham gia chữa cháy lên đến 8.000 lượt người; đã xử phạt vi phạm hành chính 13 vụ về hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng, số tiền phạt 67 triệu; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ.

Về công tác ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã bắt giữ và xử lý 368 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 159,372 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng, tịch thu 2 xe ô tô. So với cùng kỳ năm trước giảm 114 vụ và 74,849 m3 gỗ. Lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã tổ chức 721 đợt truy quét, phát hiện 176 vụ vi phạm, tịch thu 57,608 m3 gỗ các loại, 16 máy cưa xăng, tháo dỡ 50 lán trại và 2.556 bẫy động vật rừng.

z2582671090859_9aa0e8e11f4ef30409fea0c99410bfdd.jpg

Cháy rừng ở Thừa Thiên – Huế vẫn phức tạp

Từ sau khi có Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 4/12/2015 của UBND tỉnh, diện tích rừng bị phá đã giảm 37% so với thời kỳ 5 năm trước; diện tích xâm lấn mới rất ít. Chỉ thị số 65 đã góp phần ổn định sản xuất cho ngành lâm nghiệp Thừa Thiên -Huế; từng bước thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành, phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng như công tác phối hợp của các lực lượng tham gia chữa cháy chưa được nhịp nhàng, sự phân công điều hành và tổ chức chữa cháy rừng các lực lượng phối hợp chưa thực sự hiệu quả, nguyên tắc “4 tại chỗ 5 sẵn sàng” chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến lực lượng tham gia đông nhưng thiếu dụng cụ chữa cháy rừng. Các vụ cháy lớn đều có chung nguyên nhân là phát hiện không kịp thời, hoặc phát hiện kịp thời nhưng không triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn nên đám cháy lan rộng và khó chữa. Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp có nơi còn hạn chế, kinh nghiệm cho thấy những nơi nào cấp uỷ, chính quyền địa phương vào cuộc thì nơi đó rừng được bảo vệ tốt. Việc ngăn chặn nạn xâm lấn rừng, đặc biệt ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại.

194886599_156060766538388_5743676987659688856_n.jpg

Thành lập các chốt phòng cháy rừng

Để khắc phục những tồn tại, phát huy mặt mạnh, hạn chế yếu kém, đặc biệt là tồn tại mang tính chủ quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch huy động các lực lượng công an, quân đội phối hợp với lực lượng Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng trái phép, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phá rừng ngay từ khi mới manh nha; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 4/12/2015 của UBND tỉnh. Chỉ đạo chính quyền địa phương các xã có rừng tăng cường công tác nắm bắt, tuyên truyền vận động người dân tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, dần chấm dứt tình trạng người dân đứng ngoài cuộc khi cháy rừng xảy ra.

Các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với lực lượng kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ chung về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất rừng; tranh chấp rừng, đất rừng, tránh nguy cơ gây mất trật tự an ninh ở địa phương.

Đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thiết thực, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng cháy và chữa cháy trước mùa cháy rừng; đối với các địa phương nhiều rừng tập trung cần chỉ đạo đơn vị chuyên môn khảo sát, xây dựng phương án phòng cháy lớn như đường ranh cản lửa kết hợp đường sản xuất, vận chuyển.

img_1421.jpg

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Thừa Thiên – Huế

Phát huy hiệu quả công tác phối hợp của các chốt liên huyện ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trên đường bộ, đường sông; cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng thực hiện các trạm liên hợp ở các đầu mối giao thông trên đường bộ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ, bảo vệ tốt rừng tự nhiên trên địa bàn.

Lồng ghép và tranh thủ các nguồn lực, cả ngân sách nhà nước, dịch vụ môi trường rừng và các dự án nước ngoài nhằm bảo vệ tốt vốn rừng tự nhiên, tăng năng suất và chất lượng rừng trồng, duy trì độ che phủ rừng trên địa bàn. Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng theo hướng bền vững, kinh tế gắn với môi trường; đẩy mạnh mô hình hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến nhằm tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa lâm nghiệp.

“Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng gay gắt đến đời sống của người dân, vì vậy các ban ngành, đơn vị, địa phương phải cùng chung tay vì nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO