Thừa Thiên Huế: Lãng phí đất do dự án "tắc" vốn, dân lo âu

17/08/2017 00:00

(TN&MT) - Một dự án cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai ở Thừa Thiên Huế do “ tắc” vốn bấy lâu nay khiến người dân sống trong lo âu, “mỏi cổ” để chờ giải tỏa, đền bù...

Công trình cầu vượt đường sắt ở thị trấn Phong Điền đã thi công dang dở và dừng hẳn nhiều năm qua
Công trình cầu vượt đường sắt ở thị trấn Phong Điền đã thi công dang dở và dừng hẳn nhiều năm qua

Đó là dự án “Đường cứu hộ cứu nạn (CHCN) Phong Điền- Điền Lộc”, bắt đầu từ Quốc lộ 1 đoạn ở thị trấn Phong Điền kéo dài đến xã Điền Lộc (thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ngừng thi công do thiếu vốn

Theo tìm hiểu, dự án có chiều dài 16,5km, được khởi công xây dựng từ đầu năm 2012, với tổng mức đầu tư gần 672 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huếlàm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng 5 cầu, gồm 1 cầu lớn, 4 cầu trung, trong đó cầu vượt đường sắt dài hơn 66m, khổ rộng 31m; riêng 3km đi qua thị trấn Phong Điền được mở rộng 36m, gồm 2 làn; nối liền với QL1A, QL49B, tỉnh lộ 4 và nhiều tuyến đường dân sinh khác ở địa bàn huyện Phong Điền...

Từ khi thi công, công trình chỉ mới xây dựng phần thô cầu vượt đường sắt ở khu vực thuộc thị trấn Phong Điền và hoàn thành kiểm kê, giải tỏa đất nông nghiệp... Từ năm 2015, dự án “tắc vốn” nên đã ngưng trệ.

Có mặt tại cầu vượt đường sắt, PV nhận thấy những mảng bê tông và trụ bê tông “to đùng” nằm sát mặt đường, cạnh khu dân cư. Những thanh sắt thép lổm chổm, rỉ rét theo thời gian. Một số hạng mục dần xuống cấp và cỏ dại mọc xung quanh...

Việc châm trễ dự án cũng đã khiến các hộ dân ở thôn Nhất Phong (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) nằm trong vùng bị thu hồi đất, tái định cư của dự án gặp nhiều khó khăn dù trước đó ai cũng đã ủng hộ dự án.

Gia đình bà Trần Thị Bẻo trao đổi với PV về sự việc
Gia đình bà Trần Thị Bẻo trao đổi với PV về sự việc

Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Bẻo (SN 1951, thôn Nhất Phong) cho hay, đất đai, cây cối và nhà cửa của bà được kiểm kê từ năm 2009. Theo đó, nhà bà có diện tích hơn 1.000m2, đền bù khoảng 350 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án dậm chân khiến gia đình bà hết sức lo lắng trong việc xây dựng nhà mới cũng như những công trình phụ, bởi muốn xây cũng không được vì như thế sẽ không được đền bù và lãng phí.

“An cư thì mới lạc nghiệp chứ. Nếu chỗ ở mà không yên ổn thì việc làm ăn cũng chẳng nên. Nguyện vọng của chúng tôi một là phải đền bù thỏa đáng, hai là ngưng thẳng dự án để chúng tôi sửa chửa nhà ở bởi nơi đây thiên tai bão lụt luôn xảy ra...”- bà Bẻo nói.

Cách nhà bà Bẻo không xa là nhà của ông Nguyễn Miên (55 tuổi) cũng nằm trong diện chờ đền bù. Theo lời ông Miên, nhà ông có diện tích đất bị kiểm kê khoảng 400m2 gồm chuồng lợn, hầm biogas... và đền bù hơn 60 triệu. “Tôi không hài lòng với việc đền bù vì bất hợp lý, đáng lẻ giá phải cao hơn. Hiện tại đất cũng để không, gia đình không dám xây thêm gì. Hi vọng sẽ được đền bù sớm chứ cứ như vậy mãi thì khổ...”- ông Miền bức xúc.

Chờ bố trí nguồn vốn

Theo ông Nguyễn Minh Cần- Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương, có 124 hộ dân có đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng khi dự án đi qua địa bàn xã. Trong đó, đất nông nghiệp 3,3ha của 61 hộ dân; đất lâm nghiệp 7,1 ha của 54 hộ dân và đất ở của 9 hộ dân. Đến nay đã được kiểm kê, áp giá và chi trả tiền đền bù cho đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, còn lại 9 hộ với 0,9 ha đất ở bị thu hồi nằm trong diện di dời tái định cư.

Ông Cần thừa nhận còn 9 hộ dân ở thôn Nhất Phong thuộc diện di dời đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù để tái định cư với mức từ 200-300 triệu đồng/hộ do dự án cứ kéo dài, dù xã đã bố trí quỹ đất để xây dựng khu tái định cư.

Những cột mốc được đóng lên để triển khai đền bù, nhưng đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”
Những cột mốc được đóng lên để triển khai đền bù, nhưng đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”

“Chính quyền địa phương cũng như người dân đã kiến nghị lên cấp trên qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri yêu cầu cần xác định dự án sẽ triển khai trở lại khi nào để có phương án hỗ trợ người dân, giúp các hộ dân có thể tạm thời sửa chữa các hạng mục nhỏ của nhà ở đã xuống cấp nhằm đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ...”- ông Cần nói.

Ông Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, công trình trên có ý nghĩa quan trọng trong việc cứu hộ cứu nạn khẩn cấp đối với các địa phương vùng ven biển, đầm phá. Hiện dự án đường CHCN Phong Điền - Điền Lộc được cấp vốn ban đầu khoảng hơn 100 tỷ đồng và hiện chỉ mới thực hiện xây dựng phần thô cầu vượt đường sắt ở khu vực thị trấn Phong Điền, làm 5km nền đường, thảm xong 3km đường từ cầu vượt đường sắt, thị trấn Phong Điền đến gần tỉnh lộ 4...

“Vì không bố trí được nguồn vốn tiếp theo nên dự án đã dừng thi công, điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Mới đây, tỉnh đã bố trí thêm 10 tỷ đồng cho dự án này và dự án đường Thủy Phù -Vinh Thanh nối thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang để tiếp tục thi công. Trong đó, riêng tuyến Phong Điền- Điền Lộc sẽ tập trung thi công đoạn tiếp theo đi qua thị trấn Phong Điền...”- ông Cường thông tin.

Cũng theo ông Cường, dự án này đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Hiện chủ đầu tư có tờ trình thẩm định nguồn vốn ở Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để bố trí vốn, tiếp tục triển khai cũng như tiến hành đền bù, di dời, tái định cư cho các hộ dân ở xã Phong Chương trong thời gian sớm nhất có thể.

Bài & ảnh:Thế Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Lãng phí đất do dự án "tắc" vốn, dân lo âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO