Khoáng sản

Thừa Thiên - Huế: Khoáng sản là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Văn Dinh (thực hiện) 23/05/2023 - 11:02

(TN&MT) - Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản tại Thừa Thiên - Huế đã và đang góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội của địa phương. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để rõ hơn về vấn đề này.

8-9-2-.jpg
Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định cho thuê đất đối với 40 tổ chức, với diện tích là 379,5ha để thực hiện các dự án khai thác khoáng sản giai đoạn 2016 - 2021.

PV: Là địa phương phong phú tài nguyên khoáng sản, xin ông cho biết tầm nhìn chiến lược trong công tác quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế?

Ông Phan Quý Phương: Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 66 mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác, gồm 50 giấy phép do tỉnh cấp và 16 giấy phép do Bộ TN&MT cấp. Riêng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có 6 mỏ khoáng sản gồm 2 mỏ đất và 4 mỏ đá hoạt động.

Để tài nguyên khoáng sản thực sự trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Việc quy hoạch này được lập trên cơ sở kế thừa quy hoạch giai đoạn 2010 - 2015, đồng thời, bổ sung mới nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng kịp thời nguyên vật liệu cho sản xuất và xây dựng với các định hướng cụ thể như khai thác và sử dụng khoáng sản một cách đồng bộ gắn liền với chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu; xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản với công nghệ hiện đại, kết hợp nội lực và hợp tác đầu tư trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến.

Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ chế minh bạch, công khai, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ các dự án trọng điểm đang và sẽ triển khai trên địa bàn, ngành TN&MT tỉnh đã triển khai tổ chức thành công đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020 với 19 khu vực. Năm 2022, đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đối với 11 khu vực đất, đá làm vật liệu san lấp. Năm 2023, theo kế hoạch, sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm 9 khu vực, trong đó có 4 khu vực mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, với tổng diện tích 203,28ha nhằm phục vụ các công trình trọng điểm.

PV: Việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản đã đóng góp gì trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông?

Ông Phan Quý Phương: Thời gian qua, việc ban hành, triển khai các chính sách phát triển hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo hướng chế biến sâu, tận dụng tối đa công dụng, tiết kiệm tối đa tài nguyên khoáng sản; khai thác gắn với bảo vệ môi trường… đã phát huy mạnh mẽ giá trị tài nguyên, tăng hiệu quả đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Khai thác khoáng sản đang đóng góp một phần không nhỏ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh như Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhà ga T2 sân bay Phú Bài; đóng góp vào ngân sách các nghĩa vụ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền, phí bảo vệ môi trường; là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất các nhà máy chế biến sâu khoáng sản (gạch, đá các loại, đá trang trí…) tạo sự đa dạng sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu xã hội, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.

Hiện hoạt động khai thác khoáng sản đang góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho hơn 2.000 lao động, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo ở một số địa phương, đồng thời, góp phần ổn định an ninh xã hội trong điều kiện đời sống, thu nhập của người dân được đảm bảo, ổn định.

8-9-3-.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn đặt mục tiêu quản lý, khai thác khoáng sản hiệu quả để đáp ứng phát triển bền vững.

PV: Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, xin ông cho biết một số giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Phan Quý Phương: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đảm bảo việc thực thi nghiêm minh các quy định của pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và thực hiện tốt Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ khoáng sản đến các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản và các tổ chức chính trị xã hội liên quan nhằm đồng hành phối hợp trong quản lý.

Nghiên cứu đưa ra các giải pháp tuyên truyền hiệu quả hơn về các quy định pháp luật khoáng sản đến người dân. Có thể phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở xã, phường để lồng ghép nội dung quy định pháp luật về khoáng sản cho Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân... Phối hợp tổ chức thi tìm hiểu quy định pháp luật, trong đó có quy định pháp luật về khoáng sản cho các đối tượng là người dân, học sinh, sinh viên. Tập hợp thành tuyển tập quy định pháp luật về khoáng sản gửi đến tủ sách cộng đồng dân cư, tổ dân phố...

Cùng với đó, tăng cường thanh kiểm tra hoạt động khoáng sản, đồng thời kiểm tra trách nhiệm UBND cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, cương quyết chấm dứt hoạt động, rút giấy phép khai thác trong trường hợp các đơn vị thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Khoáng sản là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO