Thừa Thiên - Huế: Đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo môi trường, phát triển kinh tế trong đại dịch

Văn Dinh| 14/08/2021 14:55

(TN&MT) - Lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, ban ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng các phương án sẵn sàng thực hiện “3 tại chỗ”, song song với đó là đảm bảo môi trường, phát triển kinh tế.

Duy trì nền kinh tế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, qua thống kê 7 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách ước đạt 6.025 tỷ đồng, bằng 99,3% dự toán, tăng 50% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 5.599 tỷ đồng (bằng100% dự toán, tăng 47,2%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 310 tỷ đồng (bằng 68,3% dự toán, tăng 51,5%), thu viện trợ, huy động đóng góp 115 tỷ đồng (vượt gần 9 lần so với dự toán, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ). Chi ngân sách nhà nước ước đạt 4.946 tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7 tháng đầu năm ước đạt 14.628 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp, trong đó vốn ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trọng điểm quốc gia BT và BOT. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 7 tháng ước đạt 33% kế hoạch.

Thừa Thiên Huế đang duy trì việc phòng, chống dịch với phát triển kinh tế

Tỉnh đã cấp phép cho 23 dự án với tổng vốn đầu tư 13.051 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 4 dự án, có vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đề nghị các sở ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay phải xem nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, và phải đặt lên hàng đầu. Chống dịch thành công thì mới có thể thúc đẩy phát triển KT- XH thuận lợi hơn, sớm ổn định đời sống nhân dân...

Đảm bảo môi trường, đồng hành cùng doanh nghiệp

Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho hay, trước tình hình bệnh COVID - 19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, tỉnh cũng vừa có ca dương tính trong cộng đồng; để bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch, hạn chế thiệt hại, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ra nhiều văn bản, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giảm phát sinh chất thải rắn, phân loại đúng, không để lẫn chất thải thông thường và chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nhằm thuận tiện cho việc thu gom, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Ngoài ra, phải đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh trong quá trình tiếp nhận, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Sở cũng chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.

Tăng cường tiêu độc khử trùng phòng chống dịch COVID - 19, bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp

Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm (đóng tại huyện Phong Điền) cho hay, để chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi hoặc nhiễm COVID- 19; đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép, công ty đã thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch; thường xuyên kiểm tra, đo thân nhiệt, lấy khai báo y tế 100% người ra vào cổng; tài xế xe vào chở hàng tại nhà máy... Công ty tổ chức diễn tập và xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ”. Đảm bảo đáp ứng các tiêu chí cần thiết cho hoạt động phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vừa sản xuất kinh doanh, vừa sinh hoạt tại doanh nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm công tác phòng chống dịch theo quy mô đặc thù của công ty.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải ngân vốn đầu tư theo nguyên tắc “bảo vệ nguồn”, giải ngân nhanh để đóng góp cho tăng trưởng. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân. Đồng thời, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết thủ tục cho các dự án.

Đề nghị các cấp, các ngành tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai các chương trình, dự án trọng điểm; tiếp tục hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; đẩy nhanh tiến độ cấp quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư một số dự án. Tăng cường xúc tiến đầu tư theo danh mục dự án vào địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp; đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

“Cùng với đó, tiếp tục giám sát tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực; quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp; các dự án trọng điểm vừa mới đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nhất là đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành dệt may. Song song đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; đặc biệt, đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng các phương án sẵn sàng thực hiện “3 tại chỗ” hoặc đưa đón người lao động đi làm trong trường hợp giãn cách xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh...”, ông Phương nhấn mạnh.

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo môi trường, phát triển kinh tế trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO