Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bài, ảnh: Văn Dinh| 27/08/2020 17:45

(TN&MT) - Đến tháng 8/2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân 57% vốn đầu tư công và cố gắng đến cuối năm sẽ hoàn thành.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của Thừa Thiên Huế từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý là 4.414 tỷ đồng, lũy kế giải ngân tất cả các nguồn vốn đến ngày 15/8 đạt 38% kế hoạch. Ước giải ngân đến ngày 30/8 đạt 57% tổng kế hoạch vốn.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm tỉnh Thừa Thiên Huế xác định đẩy mạnh giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển KT- XH trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc họp với chủ đầu tư các dự án lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo thủ tục khởi công dự án mới và giải ngân nguồn vốn bố trí. Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu bị thu hồi vốn.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi nhiều công trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; một số công trình chuyển tiếp đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc do các dự án ODA (nguồn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) có giải ngân thấp, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân chung của tỉnh. Thời gian thực hiện và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, vốn chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/01/2021, không được chuyển nguồn sang năm 2021.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư cam kết giải ngân, đăng ký kế hoạch giải ngân với tỉnh từng dự án. Đến thời hạn theo đăng ký nếu chủ đầu tư không đảm bảo giải ngân theo cam kết, tỉnh sẽ điều chuyển vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác có nhu cầu về vốn. Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm và bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, tổng số vốn đăng ký giải ngân đến hết năm 2020 là 2.944 tỷ đồng; trong đó, tháng 8 là 828 tỷ đồng, tháng 9 là 1.073 tỷ đồng, tháng 10 là 522 tỷ đồng, tháng 11 là 520 tỷ đồng.

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế đang đạt tiến độ giải ngân tốt

Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho rằng, các chủ đầu tư phải phân công trách nhiệm cán bộ theo dõi cụ thể, các công trình đã triển khai thực hiện phải cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không thực hiện giải ngân đảm bảo yêu cầu. Các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư theo quy định; thực hiện chế tài xử lý nghiêm khắc nhà thầu cố tình vi phạm hợp đồng làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân; kịp thời báo cáo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ.

“Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã và TP. Huế cũng phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. UBND cấp huyện tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Sự vào cuộc của các sở ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, linh động trong cách làm của các chủ đầu tư… sẽ là sức mạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong thời gian tới”, ông Vui nói.

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021 trong đó đã tổng hợp nhu cầu vốn thời kỳ 2021 - 2025 theo danh mục các công trình dự án có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ quan tâm hỗ trợ, bố trí ngân sách trung ương triển khai danh mục dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 đảm bảo các điều kiện xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó ưu tiên các dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO