Môi trường

Thừa Thiên - Huế đảm bảo môi trường thúc đẩy du lịch phát triển

Văn Dinh (thực hiện) 22/02/2024 - 09:16

(TN&MT) - Thời gian qua, ngành du lịch Huế đã nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, trách nhiệm; trong đó vấn đề bảo vệ môi trường đang được thực hiện rất tốt. Xoay quanh nội dung này, những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế.

dulichhue-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế

PV: Xin ông cho biết bước phát triển của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Năm 2023 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Dưới sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành đã chủ động tham mưu các giải pháp, chính sách hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch; tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện, được dư luận đánh giá cao, thu hút được sự quan tâm của du khách và cộng đồng.

Du lịch Thừa Thiên - Huế đã đạt được mục tiêu phục hồi cơ bản các hoạt động du lịch và giới thiệu lại điểm đến trên địa bàn tỉnh đối với thị trường khách nội địa lẫn quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú... để thu hút du khách quốc tế. Năm 2023, Thừa Thiên - Huế đón 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 56% so với năm 2022; trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2023, Thừa Thiên - Huế đón nhận một loạt giải thưởng, danh hiệu từ một số tổ chức, tạp chí, kênh thông tin du lịch quốc tế. Đầu tháng 2/2024, Huế nhận giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN. Đây là một hiệu ứng tốt, góp phần quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Các giải thưởng du lịch đã giúp Huế tạo được nét đặc trưng nổi bật với các điểm đến khác trong nước và khu vực, là cơ hội để thu hút du khách trong thời gian tới.

dulichhue-2.jpg
Du khách trải nghiệm tour du lịch giảm rác thải nhựa ở TP. Huế

Theo Sở Du lịch, từ 28 tháng Chạp đến mồng 6 tháng Giêng Tết Giáp Thìn, ước có khoảng 102.000 lượt khách đến tham quan Huế, doanh thu ước đạt 160 tỷ đồng. Năm 2024, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách; tổng thu từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

PV: Để hạn chế rác thải nhựa trong toàn ngành du lịch, Sở và các đơn vị liên quan đã có những giải pháp, kế hoạch gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp bách ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng. Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch ở địa phương, Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch về giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Thời gian qua, để nỗ lực giảm rác thải nhựa trong các hoạt động du lịch, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh TP. Huế với môi trường xanh - sạch - sáng, là điểm đến du lịch lý tưởng, Sở đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch và Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (WWF) triển khai nhiều nội dung, như các hội thảo về giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch; tổ chức các lớp tập huấn giảm thiểu rác thải nhựa ngành du lịch dành cho cán bộ quản lý các cơ sở lưu trú.

Khảo sát và lắp đặt nhà chờ miễn phí tại Phố cổ Bao Vinh và Cầu ngói Thanh Toàn. Du khách có thể sử dụng nước uống trực tiếp tại vòi, hoặc mang theo bình nước để lấy nước ở vòi thay vì mua các chai nước có sử dụng nhựa dùng một lần. Hiện nay, thành phố đã triển khai xây dựng 4 khu nhà chờ và trạm cấp nước tại các di tích lăng Gia Long, lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh. Từ đó, có thể tuyên truyền và lan tỏa ý thức giảm thải nhựa trong cộng đồng và du khách khi đến các điểm tham quan ở Huế.

Chương trình Chung tay xây dựng môi trường du lịch Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc” đã được triển khai trong thời gian qua. Một trong những hoạt động của chương trình là tái khởi động mô hình “Điểm vệ sinh miễn phí” dành cho du khách trên các tuyến đường trung tâm.

Tại các hội nghị, hội thảo trong ngành du lịch không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần và sử dụng chai thủy tinh; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch đã thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định. Ngành du lịch tổ chức các đợt ra quân làm sạch môi trường, kêu gọi không sử dụng túi ni lông, nước uống đóng chai một lần… thu hút du khách cùng tham gia để tuyên truyền. Đặc biệt, điểm đến du lịch Thủy Biều tại TP. Huế là mô hình đầu tiên thí điểm điểm du lịch giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra, trong thời gian qua, hoạt động, hành động của ngành du lịch đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch xanh, sạch; trở thành đô thị du lịch sinh thái, như phong trào Ngày Chủ nhật xanh; 60 phút sạch nhà, đẹp ngõ; cam kết chung tay bảo vệ động vật hoang dã…

dulichhue-3.jpg
Huế đang là điểm đến du lịch xanh, sạch, bền vững

PV: Theo ông, ngành du lịch sẽ có hướng đi nào trong năm nay, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên - Huế đang hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Năm 2024 và những năm tới, để có sự phát triển xứng tầm mục tiêu Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngành du lịch tỉnh đã có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; tâm linh; ẩm thực gắn với hoạt động nông nghiệp và sản phẩm OCOP, hội nghị, hội thảo. Trong đó, du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, xanh và bền vững. Tăng cường quảng bá truyền thông các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành du lịch sẽ đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Nâng cao chất lượng điểm đến, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp phát triển thương hiệu; đẩy mạnh hợp tác liên kết mở rộng thị trường. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế đảm bảo môi trường thúc đẩy du lịch phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO