Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng: Chung tay bảo vệ Hải Vân quan

25/04/2017 00:00

(TN&MT) - Sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, vừa qua, hai tỉnh Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã cùng nhau bàn bạc đi đến thống nhất giải pháp để bảo vệ Hải Vân quan.

Thiếu sự quản lý, trải qua thời gian dài không được bảo tồn nhiều hạng mục của cụm công trình Hải Vân quan bị đổ nát, xuống cấp trầm trọng
Thiếu sự quản lý, trải qua thời gian dài không được bảo tồn nhiều hạng mục của cụm công trình Hải Vân quan bị đổ nát, xuống cấp trầm trọng

Sau nhiều năm hoang phế

Hải Vân quan nằm trên núi Hải Vân được triều Nguyễn xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nằm trong hệ thống phòng thủ của kinh đô Huế xưa. Ngày nay, địa danh này là vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều năm qua, cụm di tích Hải Vân quan trên đỉnh đèo Hải Vân bị biến thành phế tích. Công trình từng được ví là đệ nhất hùng quan bị bỏ hoang, không được trùng tu do việc phân ranh giới địa lý của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế chưa được thống nhất.

Nằm bên núi phía Đà Nẵng là phần tam cấp và chiếc cổng Hải Vân quan cao hơn 10 m, cùng một số lũy đá. Bên cạnh tấm biển đá ghi ba chữ Hải Vân quan là những hàng gạch đã bị hư hại. Khách tham quan leo trèo, vẽ bậy, vứt rác bừa bãi. Các lối đi ngổn ngang gạch đá, nhiều bức tường lâu năm không được trùng tu có nguy cơ sập rất nguy hiểm cho khách tham quan. Nhiều đồn bốt do không được quản lý bị khách tham quan dẫm đạp đến đổ nát. Các cửa hàng kinh doanh không có quy hoạch che khuất, xâm hại nhiều khu vực của di tích.

Thiếu sự quản lý, khu vực đỉnh đèo Hải Vân, dưới chân Hải Vân quan luôn xảy ra tình trạng lộn xộn. Trải qua thời gian dài không được bảo tồn, nhiều hạng mục của cụm công trình bị đổ nát, phủ đầy rêu.

Trước đây, Thừa Thiên Huế đã từng một lần đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia với Hải Vân quan nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) yêu cầu cần lấy ý kiến của Đà Nẵng vì Hải Vân quan có địa giới hành chính liên quan đến cả hai tỉnh này.

Sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) TP. Đà Nẵng cũng cho biết, nếu Hải Vân quan được công nhận di tích cấp quốc gia, thì cả Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ cùng nhau phục hồi, tu bổ công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này.

Như mong đợi, vừa qua (14/4), Hải Vân quan đã được Bộ VHTT&DL ký quyết định công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia. Ngay sau đó hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã bắt tay cùng nhau bàn giải pháp bảo vệ, trùng tu di tích sau 20 năm không người quản lý.

Sự phối hợp chung tay bảo vệ Hải Vân quan của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ kịp thời tu bổ, tôn tạo lại di tích lịch sử nhiều năm bị bỏ hoang
Sự phối hợp chung tay bảo vệ Hải Vân quan của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ kịp thời tu bổ, tôn tạo lại di tích lịch sử nhiều năm bị bỏ hoang

Đã được chung tay bảo vệ

Chiều 24/4, lần đầu tiên lãnh đạo ngành văn hóa của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng lên đỉnh Hải Vân quan để bàn cách cứu di tích đang bị hoang phế suốt thời gian dài.

Ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế cho rằng, việc cần làm ngay lúc này, là ngành văn hóa hai địa phương phải tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích (tiếng Việt và tiếng Anh) và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích.

Ông cũng đề xuất, nên xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, loại bỏ các bộ phận hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của di tích. Ngoài ra, trước khi tôn tạo hay xây dựng bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) hai địa phương cần thu hồi đất lâm nghiệp để cấp quyền sử dụng đất mới.

Về phía Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở VH-TT cho biết, Hải Vân quan đã có đủ cơ sở pháp lý để được bảo vệ theo Luật Di sản. Việc đầu tiên hai Sở VH-TT bàn bạc là có hành động cấp thiết khắc phục tình trạng xuống cấp di tích. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư 500 triệu đồng và sẽ tiến hành làm một số việc như cải tạo lối đi, lan can bảo đảm an toàn cho khách tham quan, cải thiện ô nhiễm môi trường, chống xâm phạm di tích… ngay trong năm 2017.

Ngoài ra, Sở VH-TT của hai địa phương còn mời Sở Xây dựng, Sở TN&MT của hai địa phương lên cắm mốc vùng bảo vệ 1 và bảo vệ 2 của Hải Vân quan. Sau khi được cắm mốc xác định, đó sẽ là vùng bất khả xâm phạm nên những hộ kinh doanh nằm trong vùng bảo vệ 1 và bảo vệ 2 buộc phải di dời. Những hộ kinh doanh nằm ngoài phạm vi này nếu kinh doanh theo đúng quy định thì các ngành chức năng sẽ tạo điều kiện làm ăn, phục vụ du khách.

Trong buổi làm việc bàn về giải pháp, kể hoạch bảo vệ Hải Vân quan, 2 địa phương cũng đã thống nhất sẽ phối hợp xây dựng một bộ tiêu chí quản lý Hải Vân quan về vấn đề trùng tu, bảo tồn, phát huy di tích. Trong mỗi nội dung cũng quy định cụ thể, như không được xâm hại di tích, không hủy hoại di tích, không viết vẽ lên di tích… Sau này, Hải Vân quan được giao cho đơn vị Nhà nước hoặc đơn vị tư nhân nào quản lý cũng phải bảo đảm tiêu chí quản lý di tích như đã quy định.

Có thể nói, cú bắt tay lần này là sự mong đợi từ rất lâu của dư luận. Đây là sự kiện được người dân ủng hộ và rất kịp thời để cứu di tích Hải Vân quan. Với những cơ chế cụ thể, phù hợp không chỉ bảo vệ được Hải Vân quan kịp thời mà còn xây dựng tình bằng hữu giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Bài & ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng: Chung tay bảo vệ Hải Vân quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO