Thừa Thiên – Huế: Bảo vệ chim hoang dã, chim di cư

Văn Dinh| 07/10/2022 09:13

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành công văn yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời.

Cụ thể, tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh; tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

a1-3-.jpg

Chim giả dùng để làm mồi nhử các loài chim trời

Sở NN&PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

UBND các huyện, thị xã, TP. Huế triển khai, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định.

Tại Thừa Thiên - Huế, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão là nạn săn bắt chim trời trài phép ở nhiều địa phương lại rộ lên và một số nơi người dân xem như là nghề để kiếm sống. Cơ quan công an các địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc tuyên truyền, xử lý, nhưng tình trạng “tận diệt” chim trời vẫn diễn ra.

a4.jpg

Lực lượng chức năng tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim hoang dã

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế từng ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Mức xử phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng…

Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Bảo vệ chim hoang dã, chim di cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO