Thừa Thiên – Huế: Bảo tồn loài gấu tại Vườn Quốc gia Bạch Mã

Văn Dinh| 11/12/2021 17:19

(TN&MT) - Dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2- Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên - Huế) sẽ góp phần cứu hộ các loài gấu ở trong nước và ở các nước láng giềng…

Hiện nay, gấu là một trong các nhóm động vật đang bị đe dọa cao nhất ở Việt Nam, trong đó, săn bắt và mất vùng sống tự nhiên là hai nguyên nhân chính. Tình trạng săn bắt, mua bán, nuôi gấu lấy mật... hàng chục năm qua đã làm suy giảm nhanh các quần thể gấu ngoài tự nhiên.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết, đầu tháng 12/2021, Đoàn khảo sát của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation), Tổng Cục Lâm nghiệp cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực được quy hoạch ở VQG Bạch Mã để thực hiện dự án “Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2” (VBRC II).

Dự án dự kiến thực hiện trong 5 năm (2021-2026) tại khoảnh 2, Tiểu khu 214 thuộc phân khu dịch vụ - hành chính ở chân núi Bạch Mã. Địa điểm này đã được quy hoạch cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Bạch Mã, phù hợp với quy hoạch an ninh quốc phòng. Tổng vốn của dự án là 10.500 ngàn USD (tương đương hơn 242 tỷ đồng) do Tổ chức Động vật Châu Á viện trợ.

Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á khảo sát tại hiện trường Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II tại VQG Bạch Mã

Dự án được triển khai trên diện tích 12 ha, bao gồm 6 nhà gấu đôi và 12 khu bán hoang dã, khu hành chính và nghỉ dưỡng cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu, khu giáo dục truyền thông, khu xử lý chất thải, các khu tiện ích và cơ sở hạ tầng khác... Trung tâm sẽ cứu hộ, chăm sóc hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm (nếu có).

Theo ông Nguyễn Vũ Linh, qua khảo sát, điều tra, thống kê và đánh giá, tại khu vực miền Trung và VQG Bạch Mã hiện vẫn còn gấu trong tự nhiên và xác định được các khu vực đảm bảo được sự sinh sống của gấu được tái thả. Việt Nam là vùng phân bố tự nhiên của 2 loài gấu, gấu Ngựa (Ursus thibetanus hoặc Ursus tibetanus) và gấu Chó (Helarctos malayanus). Cả 2 loài gấu trước đây được ghi nhận tương đối phổ biến ở các khu vực có rừng tự nhiên ở Việt Nam.

Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, năm 1999 cả nước có 446 cá thể nuôi gấu, đến năm 2006, số lượng đã tăng lên 4.000 cá thể gấu. Việc săn bắt, nuôi nhốt gấu bất hợp pháp đã gây ra các khó khăn lớn cho công tác bảo tồn loài gấu, việc chích, hút mật gấu cũng làm dấy lên các quan ngại quốc tế về các nỗ lực quản lý bảo tồn loài gấu mặc dù từ năm 1992 cả 2 loài gấu đã được quan tâm bảo vệ bởi Nghị định số 18-HĐBT ngày 17/01/1992 của Chính phủ và các Nghị định thay thế sau đó và được xếp vào nhóm Nguy cấp của Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ các loài bị đe dọa của IUCN (2019).

VGB Bạch Mã hiện vẫn còn gấu trong tự nhiên và xác định được các khu vực đảm bảo được sự sinh sống của gấu được tái thả

Lãnh đạo VQG Bạch Mã thông tin thêm, vừa qua, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng một số ngành liên quan đã khảo sát thực địa VBRC II và đã đánh giá rất cao tính hiệu quả của dự án. Hiện, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đồng ý và đã có quyết định về chủ trương đầu tư. Đồng thời, tỉnh đã có văn bản gửi đến cơ quan của Bộ NN&PTNT để hoàn thành các thủ tục tiếp theo.

“Sau khi dự án triển khai, không chỉ cứu hộ các loài gấu ở Việt Nam mà còn cứu hộ các loài gấu ở các nước láng giềng đặc biệt là Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các cá thể gấu được cứu hộ khỏi các trại nuôi gấu hoặc bị nhà nước tịch thu từ việc buôn bán bất hợp pháp sẽ được nuôi dưỡng suốt đời hoặc có cơ hội hòa nhập lại với thiên nhiên khi được tái thả về rừng. Dự án sẽ góp phần quan trọng cho công tác bảo tồn loài gấu tại Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật, tăng cường quản lý chặt chẽ gấu nuôi ở các trung tâm cứu hộ đạt chuẩn và bảo tồn gấu trong môi trường tự nhiên tại Việt Nam”, ông Nguyễn Vũ Linh chia sẻ.

Đặc biệt, VBRC II sẽ đặt trọng tâm vào việc giáo dục cộng đồng và sẽ lồng ghép với các hoạt động du lịch của VQG Bạch Mã. Qua đó, thu hút được cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào công tác bảo tồn, cứu hộ gấu và bảo tồn thiên nhiên nói chung...

Các vi phạm về săn bắt, buôn bán, vận chuyển hoặc tiêu thụ bất hợp pháp gấu và các sản phẩm của chúng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 và 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó nếu vi phạm các cá nhân và pháp nhân có thể bị xử tù, riêng đối với BLHS năm 2015, vi phạm có thể bị phạt đến 15 năm tù và phạt tiền đến 10 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Bảo tồn loài gấu tại Vườn Quốc gia Bạch Mã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO