Thủ tướng yêu cầu giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán

23/01/2015 00:00

(TN&MT) – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp của tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô diễn ra tại Hà Nội tối 22/1

   
(TN&MT) – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp của tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô diễn ra tại Hà Nội chiều tối 22/1. Phiên họp nhằm thảo luận để đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh giá dầu thô giảm.
   
  Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thứ trưởng Bộ Tài chính, và lãnh đạo 3 Tập đoàn:Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
   
   
   
Quang cảnh cuộc họp tối 22/1. Ảnh: chinhphu.vn
   
  Tại phiên họp, Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô tập trung bàn thảo các vấn đề đang được quan tâm đó là, hoạt động khai thác, đầu tư đối với dầu thô; tác động giá dầu xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; tác động giá dầu giảm đến thu ngân sách Nhà nước năm 2015; ảnh hưởng giá dầu đến lạm phát CPI của Việt Nam. Đồng thời, Tổ công tác cũng trình bày trước Thủ tướng, Phó Thủ tướng để có những giảp pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
   
  Bên cạnh đó, phiên họp lần này còn nhằm bàn thảo các vấn đề liên quan đến đến điều chỉnh tăng giá điện, phương án lựa chọn thời điểm cho phép tăng và tác động của tăng giá điện đến tăng trưởng kinh tế và CPI của Việt Nam.
   
  Về định hướng điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều hành hợp lý giá xăng dầu bán lẻ trong nước trên tinh thần so sánh với mặt bằng giá bán lẻ các nước trong khu vực nhằm chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới; đảm bảo lợi ích của đất nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về vấn đề giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan họp bàn và đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu phải giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
   
   
Thủ tướng yêu cầu giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi
   
  Sau phiên họp, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, khi Chính phủ trình kịch bản thu chi ngân sách để trình Quốc hội thông qua trong năm 2015, dự kiến trong dự toán này là xuất khẩu dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đang giảm dưới 60 USD/1 thùng, có thời điểm xuống dưới 50 USD/1 thùng. Việc giá dầu giảm mạnh và khó lường không theo thị trường cung cầu.
   
  Tổ công tác đưa ra 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 dựa trên những đánh giá phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới cũng như các chuyên gia kinh tế, ở các ngưỡng: khoảng 60 USD/1 thùng; khoảng 50 USD/1 thùng và khoảng 40 USD/1 thùng. Đây là các mức giá xem xét tính toán các phương án, vì hiện nay giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu do chất lượng tốt hơn nên thường xuyên cao so với bình quân giá thế giới khoảng 5 USD/ 1 thùng.
   
  Về giá điện, hiện giá điện Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, vì vậy Tổ công tác đề nghị việc điều chỉnh giá điện theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, giá thành điện cũng cần tính toán lại một cách chính xác và đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ công tác cũng khẳng định từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi chưa bàn đến tăng giá. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định vào sau Tết.
   
  Thủ tướng Chinh phủ cũng yêu cầu, tiêu hao điện năng ở Việt Nam còn lớn, năng suất lao động chưa cao, nên cần phải giảm chi phí giá điện để có được giá thành hợp lý hơn. Trên cơ sở đó, công khai giá thành một cách hợp lý để Việt Nam có cơ sở thu hút dầu tư thành phần sản xuất, nguồn điện, tiếp cận cơ chế thị trường. 
   
Hải Ngọc
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng yêu cầu giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO