Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017

13/01/2017 00:00

(TN&MT) - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Nhận lời mời của ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân...

 

(TN&MT) - Cổng Thông tin điện tử Bộ Ngoại giao cho biết: Ngày 12/1/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoai giao, ông Lê Hải Bình, Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã thông tin một số nội dung cụ thể, nổi bật của hoạt động ngoại giao Việt Nam năm 2016 và trong tháng 1/2017 như sau: 

1. Phát biểu theo thông lệ đầu năm về thành tựu đối ngoại trong năm 2016 và phương hướng năm 2017

Nhìn lại năm 2016, Việt Nam đã có một năm hết sức sôi động và thành công. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về ổn định chính trị và tiềm năng phát triển. Việt Nam tiếp tục thắt chặt các khuôn khổ quan hệ, làm sâu sắc các mối hợp tác đa dạng với các nước, các đối tác, triển khai hàng loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao với các nước láng giềng, khu vực cũng như các đối tác lớn và đã đón gần 30 nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam; tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại lớn như Hội nghị Cấp cao ACMECS 7, CLMV 8 và WEF Mê Công; phát huy vai trò tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, làm tốt vai trò ủy viên của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Chấp hành UNESCO; lần đầu tiên một đại diện Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc.

Về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng. Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ Đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với việc đã hoàn tất hoặc đang tiếp tục triển khai đàm phán tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhỏ, Việt Nam đã và đang tạo dựng một mạng lưới FTA với 60 đối tác, đóng góp gần 90% GDP toàn cầu và trên 80% thương mại thế giới.

Trong năm 2016, Bộ Ngoại giao cũng đã triển khai tích cực nhiều biện pháp nhằm tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ và ủng hộ  của bạn bè quốc tế, của cộng đồng bà con Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đóng góp cho quá trình đổi mới, hội nhập và phá triển của đất nước. Bộ Ngoại giao cũng đã tích cực thúc đẩy sự tham gia chủ động, hiệu quả và có trách nhiệm của Việt Nam tại hơn 70 tổ chức, cơ chế hợp tác chính trị - kinh tế từ cấp độ tiểu vùng, khu vực đến liên khu vực và toàn cầu.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gắn kết Việt Nam ngày càng sâu sắc với dòng chảy của thế giới. Chúng tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế một nước Việt Nam không chỉ là một nền kinh tế năng động, mà còn là một đất nước tươi đẹp, giàu văn hóa, truyền thống với nhiều di sản thiên nhiên của thế giới và nhiều di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và sẽ nỗ lực hết mình để Việt Nam trở thành một điểm hẹn hấp dẫn về đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Năm 2017, Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Việc lần thứ hai Việt Nam được lựa chọn đăng cai tổ chức Năm APEC trong vòng 10 năm một lần nữa thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam và là minh chứng sinh động cho nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Năm 2017 cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác như Kỷ niệm 40 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, 50 năm thành lập ASEAN… và nhiều chuyến thăm Cấp cao quan trọng.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm nay bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017

Nhận lời mời của ông Cờ-lau-xơ Sờ-oáp (Klaus Schwab), Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 (WEF Đa-vốt 2017) tại Đa-vốt, Thụy Sỹ từ ngày 18-20/01/2017.

Hội nghị WEF Đa-vốt 2017 với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, dự kiến sẽ có khoảng hơn 300 phiên thảo luận về các vấn đề như quản trị toàn cầu, ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng, phát triển bao trùm và bền vững, tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội, phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Hội nghị cũng sẽ thảo luận việc triển khai các sáng kiến của WEF trong các lĩnh vực tiêu dùng, kinh tế và xã hội số, tăng trưởng kinh tế và bao trùm xã hội, năng lượng, an ninh tài nguyên – môi trường, hệ thống tài chính – tiền tệ, an ninh lương thực và nông nghiệp, y tế, đầu tư và thương mại quốc tế, cơ sở hạ tầng…

Tại Đa-vốt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tham dự và phát biểu tại một số phiên họp quan trọng và có các cuộc gặp song phương với Lãnh đạo cấp cao một số nước, Lãnh đạo WTO và Lãnh đạo WEF.

4. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 – 17/01/2017.

 Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Hai bên sẽ đi sâu thảo luận về các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, quốc phòng, an ninh, giao lưu địa phương.

 Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê hội đàm, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác, tham dự và phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê dự kiến sẽ có các cuộc gặp quan trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

5. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Giôn Ke-ri thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Giôn Ke-ri (John Kerry) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 – 14/01/2017. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Giôn Ke-ri  trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ theo tinh thần Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 2015 và Tuyên bố chung quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 2016; trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới và về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

PV (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO