Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ ấn tượng GMS 6

31/03/2018 15:30

Chiều nay, 31/3, đồng chủ trì cuộc họp báo với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao thông báo về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu...

 

Chiều nay, 31/3, đồng chủ trì cuộc họp báo với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao thông báo về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ về những ấn tượng tại hội nghị.
 

HIEU9701
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì cuộc họp báo với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao


Thủ tướng cho rằng, Hội nghị GMS đã thành công tốt đẹp, đã đề ra những định hướng hợp tác lớn trong trung hạn và khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn hợp tác dàỉ hạn của GMS. 
 

Hội nghị đã thông qua ba văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị, Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư tiểu vùng 2022. Theo Thủ tướng, Tuyên bố chung đã thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm của các nước GMS nâng cao vai trò của cơ chế họp tác này. Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 là văn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp hợp tác trong 5 năm tới, bao gồm việc thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế hiện nay. Khung đầu tư tiểu vùng 2022 là danh sách hơn 220 dự án hết sức cụ thể với quy mô khoảng 66 tỷ USD.
 

Đáng chú ý, Hội nghị cũng khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022. Trong bối cảnh các nước GMS hướng đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp quốc, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đồi, hợp tác GMS cần xác định được tầm nhìn dài hơn nhằm xây dựng một khu vực GMS hội nhập và thịnh vượng. Đó cũng sẽ là một tầm nhìn đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 

Thủ tướng cho biết, để huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đối tác phát triển và đặc biệt là khu vực tư nhân vào hợp tác GMS, Việt Nam đã có sáng kiên lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS thu hút sự tham gia của đông đảo các thành phần đại biểu, với quy mô lên tới hơn 2.000 người. 
 

Thủ tướng đánh giá, sự thành công của các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị GMS 6, với tổng số lượt đại biểu tham gia các hoạt động khác nhau đã lên tới hơn 3.000 lượt, không thể không kể đến sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của gần 400 phóng viên đại diện cho các cơ quan truyền thông của Việt Nam và quốc tế. 
 

Cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết, sau 25 năm, GMS đã đạt được những kết quả, thành công thể hiện qua các con số tăng trưởng, dự án, chương trình hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng. Các đối tác đã tài trợ cho khu vực này 21 tỷ USD, trong đó ADB đóng góp 8 tỷ USD. 
 

“Tôi lạc quan về tăng trưởng của khu vực này”, ông Takehiko Nakao bày tỏ. Tăng trưởng của khu vực dần phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước do gia tăng tầng lớp trung lưu, chính sách vĩ mô tốt, cải cách cơ chế, cải thiện môi trường đầu tư và các khung hợp tác như GMS.  Ông cho biết, ADB sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ USD cho các dự án hiện tại và tương lai trong 5 năm tới. 

Sau khi cho biết về kết quả Hội nghị, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí. Trả lời câu hỏi về các dấu ấn của GMS 6, Thủ tướng cho biết, ấn tượng trước hết là số lượng đại biểu rất đông, lên tới hàng nghìn người, kể cả đoàn ngoại giao. Số lượng phóng viên theo dõi hội nghị cũng rất lớn, gấp đôi so với dự kiến. 

Dấu ấn nữa là việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng định kinh doanh GMS theo sáng kiến của Việt Nam.  
Hội nghị  đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, trong đó, đưa ra danh sách hơn 220 dự án hết sức cụ thể với quy mô khoảng 66 tỷ USD.
 

Trước sự quan tâm của phóng viên mong muốn Thủ tướng chia sẻ thêm về tầm nhìn của một khu vực GMS hội nhập, bền vững, thịnh vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, GMS tăng cường kết nối, hội nhập cả phần cứng và phần mềm, đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông thông suốt và đặc biệt là ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hội nhập tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. 
 

Bên cạnh phát triển kinh tế, chú trọng bảo vệ môi trường, văn hóa xã hội để bảo đảm thịnh vượng cho mọi người dân, phát triển hài hòa để mọi người dân có thể hưởng lợi với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 

“Những vùng khó khăn, nước khó khăn, địa bàn khó khăn luôn được chú trọng hơn trong đầu tư phát triển, nhất là bảo đảm yếu tố cần thiết đối với cuộc sống người dân như điện, nước; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng”, Thủ tướng nói. “Quyền lợi của người dân, hướng về người dân là định hướng quan trọng trong các văn kiện tại GMS 6 lần này”.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch ADB họp báo thông báo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ ấn tượng GMS 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO