Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai các cam kết tại COP26

Theo Chinhphu.vn| 14/07/2022 19:12

Sáng 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai các cam kết tại COP26 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được sau phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo... để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh).

Tại hội nghị, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu…

Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm công bằng, công lý trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, báo cáo cập nhật, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được sau phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, những khó khăn, vướng mắc cần Ban Chỉ đạo cùng bàn để tháo gỡ, nhất là trong việc đổi mới về thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển sắp tới; về việc chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các đối tác; về dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, các dự thảo chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch có liên quan để ban hành và sớm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cam kết tại Hội nghị COP26.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn nhưng đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển, do đó, cần bước đi, lộ trình phù hợp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước phát triển, các đối tác về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, công nghệ, quản trị.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai các cam kết tại COP26 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo  cách đây 5 tháng, các thành viên Ban Chỉ đạo rất chủ động thực hiện công việc được phân công. Các bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng, từ rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch đến xây dựng các chương trình hành động.

Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khi nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo triển khai các cam kết tại COP26
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO